Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều.
Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều.
Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2021.
Để chủ động nguồn cung mặt hàng lương thực phục vụ thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có phương án nhập hàng từ sớm.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm nay, nhu cầu gạo vẫn tập trung chủ yếu đối với các loại gạo tẻ chất lượng cao (như ST 24, ST 25, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công...) và nếp. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm và thương hiệu gạo cũng được người dân quan tâm nên doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị nguồn hàng có xuất xứ rõ ràng.
Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nên người tiêu dùng có xu hướng tiết giảm chi tiêu, sức mua không tăng mạnh như cùng kỳ hàng năm, chủ yếu tập trung vào những ngày cận Tết, đặc biệt từ sau ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch). Nhìn chung, giá các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm trước.
Một số địa phương thực hiện Chương trình BOTT đưa mặt hàng gạo vào thực hiện nên giá cả ổn định, hoặc thấp hơn khoảng 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.
Giá các loại gạo trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần diễn biến như sau: Giá các loại gạo tẻ thường nhìn chung ổn định, loại gạo phục vụ cho Tết như nếp, tám thơm và gạo đặc sản địa phương như tám Điện Biên, gạo Séng Cù Lào Cai, ST 24, ST 25... tăng nhẹ so với tháng trước và tăng khoảng 1.000 – 2.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.
Về thực phẩm, năm nay, trong khi các nguyên liệu sản xuất đầu vào có xu hướng tăng mạnh (giá thức ăn chăn nuôi, chi phí lưu thông, xét nghiệm, lao động...) thì thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã tiếp tục hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Nhâm Dần 2022 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.
Đối với mặt hàng thịt lợn, sau khi có xu hướng giảm liên tiếp trong năm 2021 (do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng giảm) đã tục có xu hướng tăng trở lại trong tháng 01 năm 2022, đặc biệt trong những ngày cận Tết, tuy nhiên mức tăng không cao so với Tết 02 năm trước. Giá các mặt hàng thịt lợn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 15-25%. Giá các sản phẩm thịt bò ổn định trong suốt cả năm 2021 và bắt đầu tăng nhẹ vào cuối tháng 1 năm 2022 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng.
Tương tự, giá các sản phẩm gia cầm cũng ở mức thấp trong suốt năm 2021 (có thời điểm giá thịt gà lông trắng chỉ còn 7.000-9.000đ/kg), bắt đầu tăng trở lại vào tháng 12/2021 và tiếp tục tăng nhẹ vào ngày sát Tết do nhu cầu tăng. Trong những ngày gần Tết (từ ngày 23 tháng Chạp) do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt lợn đông lạnh vào những ngày gần Tết nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát Tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng. Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ vào khoảng 3 tuần trước Tết sau đó ổn định đến Tết. Giá các loại rau củ quả có xu hướng tương đương so với năm trước, riêng giá các loại rau củ tăng nhẹ so với năm trước do nguồn cung giảm, tuy nhiên vẫn bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Giá thịt lợn tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2021 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 15-25%. Giá thịt bò, thịt gà, thủy hải sản tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trước Tết nhưng chỉ tương đương với Tết Tân Sửu 2021.
Riêng đôi với mặt hàng rượu, bia, bánh, mứt kẹo, nguồn cung dồi dào, các loại bánh, mứt, kẹo có nhiều mẫu mã phong phú đa dạng, chủng loại phù hợp với thị hiếu, thu nhập của từng tầng lớp người tiêu dùng khác nhau. Giá các sản phẩm này chỉ tăng nhẹ (3 - 5%) vào thời điểm trước Tết khoảng 2 tuần, sau đó ổn định đến sát Tết. Các doanh nghiệp sản xuất đã xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trong đó chú trọng vào các sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới cao cấp có chất lượng cao, kết hợp thay đổi đa dạng mẫu mã sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời tránh được các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Năm nay nhiều sản phẩm bánh mứt kẹo trong nước cho ra mắt nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng loại hình nên có nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Các công ty thương mại đẩy mạnh việc nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước với mẫu mã đa dạng, chủng loại khác lạ với giá cả hợp lý cũng đã thu hút được người tiêu dùng, tuy nhiên năm nay do tình hình Covid-19 nên các hãng vận chuyển hạn chế hơn nên giá cả có tăng hơn so với các năm trước tầm 5% - 10%. Năm nay, các tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại các chợ truyền thống không có xu hướng tích trữ số lượng lớn như mọi năm do lo ngại sức mua giảm.
Ngoài ra, năm nay, nguồn cung các loại hoa, cây cảnh như đào, mai, quất... cho thị trường dịp Tết rất dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi cho sự tăng trưởng của cây trồng. Giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại vào thời điểm sát Tết, một phần do thu nhập của người dân giảm. Giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái 5% - 10%.