Cổ phiếu chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng nhẹ vào phiên đầu tuần sau khi thị trường này cố gắng phục hồi sau một tuần giảm điểm đáng kể.
Cổ phiếu chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng nhẹ vào phiên đầu tuần sau khi thị trường này cố gắng phục hồi sau một tuần giảm điểm đáng kể.
Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ tăng 0,4%, S&P 500 tăng 0,31% và chỉ số Dow Jones tăng 16,08 điểm, tương đương gần 0,1%.
Dow Jones trước đó vào thời điểm đầu phiên đã tăng hơn 300 điểm nhưng không thể duy trì được thành quả này sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 3%.
Cổ phiếu Amazon đã tăng gần 2% trong khi Amgen và Salesforce đồng loạt giảm hơn 1%, điều này đã ảnh hưởng đến đà tăng của chỉ số Dow Jones.
Bên cạnh đó, tâm lý của giới đầu tư đã cải thiện được phần nào sau khi Bắc Kinh rút lại một số hạn chế liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Song song đó, theo The Wall Street Journal, các nhà lập pháp Trung Quốc đang khép lại quá trình điều tra đối với công ty gọi xe Didi - dấu hiệu cho thấy sự khống chế của quốc gia này đối với lĩnh vực công nghệ có thể sắp kết thúc.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, các chỉ số tăng trung bình hơn 1% và hơn 2% ở Hồng Kông. Cổ phiếu Didi niêm yết tại Mỹ chứng kiến mức tăng phi mã, đạt 24%. Tương tự, cổ phiếu của JD.com và Pinduoduo lần lượt tăng 6,5% và 5,6%.
Những diễn biến ở thị trường Trung Quốc có thể khuyến khích các nhà đầu tư về triển vọng của các nền kinh tế Mỹ và châu Âu.
Kể từ khi chỉ số S&P 500 xuống mức 3.800, nhiều thông tin tích cực đã xuất hiện như là: Trung Quốc mở cửa trở lại với hy vọng nền kinh tế sẽ hoạt động mạnh mẽ chỉ trong vòng 1 tháng. Điều này sẽ tạo ra một “luồng gió” mới đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như là yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu căng thẳng của chuỗi cung ứng.
Giá cổ phiếu thuộc nhóm ngành năng lượng mặt trời đã tăng cao hơn sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm dừng đánh thuế vào các sản phẩm tấm pin mặt trời từ 4 quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về một cuộc suy thoái nếu các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất quá nhanh và quá nhiều. Những tuyên bố gần đây từ các quan chức của Fed đều cho thấy, cơ quan này đang thiết lập chính sách cho các đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6 và tháng 7 tới đây.
Xem thêm: Ngân hàng Trung ương đang mắc phải sai lầm lớn khi mạnh tay tăng lãi suất
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong gần một tháng khi các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu. Dù có tác động tiêu cực lên các chỉ số chứng khoán, nhưng vẫn không gây ra sự sụt giảm mạnh trên thị trường như hồi đầu năm.
Wayne Wicker, Giám đốc Đầu tư tại MissionSquare Retirement cho biết: “Tôi nghĩ rằng không còn quá bất ngờ khi lợi suất trái phiếu vượt ngưỡng 3%”.
Hơn nữa, các nhà đầu tư sẽ chú trọng vào dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ, dự kiến công bố trong sáng hôm thứ Sáu (ngày 10/6) tới đây. CPI được dự báo sẽ “hạ nhiệt” so với tháng 4 và đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát đã chạm đỉnh.
Theo thông tin từ Bộ Lao động Mỹ, thị trường lao động của nước này đã đón nhận thêm 390.000 việc làm trong tháng 5, vượt mức kỳ vọng của các nhà phân tích bất chấp lo ngại xoay quanh suy thoái kinh tế và tình trạng lạm phát đang diễn ra mạnh mẽ.
Một số nhà đầu tư tin tưởng rằng thông tin việc làm tích cực sẽ là lý do Fed tiếp tục đẩy mạnh quá trình siết chính sách tiền tệ của mình.
Xem thêm: Diễn biến chứng khoán châu Á trái chiều phiên đầu tuần