Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ "giảm tốc rõ rệt" trong năm nay, khi các đợt bùng phát dịch COVID-19 và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng kéo dài, trong lúc các chương trình kích thích của chính phủ kết thúc.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ "giảm tốc rõ rệt" trong năm nay, khi các đợt bùng phát dịch COVID-19 và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng kéo dài, trong lúc các chương trình kích thích của chính phủ kết thúc.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố ngày 11/1, tổ chức cho vay phát triển có trụ sở tại Washington đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống 4,1% sau khi phục hồi 5,5% vào năm ngoái.
Dự báo tăng trưởng năm 2021 và năm nay đều thấp hơn 0,2% so với ước tính được công bố vào tháng 6.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, rủi ro suy giảm có thể làm ảnh hưởng đến các dự báo, trong đó có những gián đoạn về kinh tế do biến thể Omicron, các nút thắt cổ chai về nguồn cung và các cú sốc giá cả ngắn hạn làm thay đổi các dự báo dài hạn về lạm phát.
Điều đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống mức thấp nhất là 3,4%, tức giảm 0,7%.
Chủ tịch WB, David Malpass lo lắng về "số tiền khổng lồ" mà đại dịch đang gây ra cho người dân ở các nước nghèo. Ông nói tới những tác động lâu dài đến sự phát triển trong tương lai.
Trong khi đó, người đứng dầu bộ phận dự báo của WB, Ayhan Kose cho rằng biến thể Omicron không khiến các nước áp dụng nhiều hạn chế như đợt bùng phát ban đầu, nhờ đó tác động có thể nhẹ hơn. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu dịch kéo dài và số ca nhiễm vẫn cao, tiếp tục gây sức ép lên hệ thống y tế, tăng trưởng kinh tế của toàn cầu sẽ giảm.
Đối mặt với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất và có thể thực hiện các bước mạnh mẽ hơn, điều này sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với các nước đang phát triển vốn đã phải gánh khoản nợ kỷ lục.
Điều đó có thể làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình, làm giảm dòng tiêu dùng và thương mại, một động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
Kose nhấn mạnh rằng tiêm chủng vẫn rất quan trọng, vì mối đe dọa về các biến thể mới, có khả năng lây truyền cao hơn.
"Tỷ lệ dân số được tiêm chủng ở nhiều nền kinh tế dự kiến sẽ vượt qua 70% vào giữa năm 2022, nhưng triển vọng về tiến độ tiêm chủng vẫn chưa chắc chắn ở một số quốc gia", đặc biệt là ở các quốc gia nghèo nhất, báo cáo cho biết.
"Với tỷ lệ tiêm chủng gần đây, chỉ khoảng 1/3 dân số LIC (các nước thu nhập thấp) sẽ được tiêm dù chỉ một liều vắc xin vào cuối năm 2023".
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ không tránh được tác động kinh tế do sự lây lan của biến thể Omicron.
Trong báo cáo của mình, ngân hàng đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay xuống 3,7%, thấp hơn 0,5% so với ước tính trước đó, sau khi nước này mở rộng 5,6% vào năm 2021.
WB cũng lưu ý rằng kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng 10 năm trị giá 1,2 nghìn tỷ USD của Washington được ký kết vào tháng 11 sẽ tạo ra một "cú hích nhỏ" cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới, với nhiều tác động hơn trong những năm sau đó.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với "lạm phát dai dẳng, và việc thắt chặt chính sách tiền tệ thậm chí nhanh hơn có thể dẫn đến tăng trưởng yếu hơn mong đợi."
Đối với Trung Quốc, tăng trưởng hiện dự kiến sẽ chậm lại còn 5,1% vào năm 2022, giảm 0,3% so với 8% của năm 2021, nhưng những rắc rối của nước này còn vượt ra ngoài đại dịch.
Theo báo cáo, nguy cơ khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản và những tác động đến giá nhà, chi tiêu tiêu dùng và tài chính của chính quyền địa phương là rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.