Do nhẹ dạ cũng như lo sợ bỏ lỡ một món hời lớn mà không ít nhà đầu tư đã rút tiền túi đầu tư vào SQUID - đồng tiền ảo ăn theo phim Squid Game để rồi mất trắng.
Do nhẹ dạ cũng như lo sợ bỏ lỡ một món hời lớn mà không ít nhà đầu tư đã rút tiền túi đầu tư vào SQUID - đồng tiền ảo ăn theo phim Squid Game để rồi mất trắng.
Khi anh Benard (sống tại Thượng Hải, Trung Quốc) nghe nói về một đồng tiền ảo được đặt tên theo Squid Game, loạt phim nổi tiếng của Netflix, anh đã tra nhanh trên Google để xem liệu đồng tiền này có hợp pháp hay không.
Anh chỉ lướt xem các tiêu đề, hoàn toàn không bấm vào đọc từng bài báo. Sau đó, anh quyết định đầu tư khoản tiền tiết kiệm cả đời mình là khoảng 28.000 USD vào đồng SQUID.
Hôm 1/11, đồng tiền ảo leo vọt lên hơn 2.860 USD, trước khi cắm đầu tụt mạnh về gần con số 0. Nếu tìm hiểu kỹ, có lẽ Benard sẽ để tâm đến lời cảnh báo của nhiều người khác về dự án khả nghi nêu trên.
Benard cho hay: "Tôi vội vã mua đồng SQUID chỉ vì một lý do duy nhất. Squid Game đang rất phổ biến và đồng tiền ảo ăn theo dự án phim này cũng nổi tiếng không kém".
"Đó là một bi kịch. Tôi không biết làm sao để lấy lại khoản tiền tiết kiệm cả đời của mình", Benard nói tiếp. Người này cho biết ông đang là trụ cột gia đình và hiện đang lo lắng không biết trang trải cuộc sống như thế nào.
Sau khi đồng SQUID mất giá, sách trắng và website của dự án này đồng loạt biến mất, dù các bản sao sách trắng và landing page chính thức vẫn còn trên mạng. Twitter đã tạm thời hạn chế tài khoản của dự án do "hoạt động đáng ngờ".
Benard cho biết anh đã liên hệ với FBI và SEC để báo cáo vụ việc. Ngoài ra, anh cũng đã liên hệ với nhóm phát triển đứng sau đồng SQUID cũng như CoinMarketCap - nền tảng niêm yết đồng tiền ảo này trên website của họ. Dù vậy, đây không phải các đơn vị phải chịu trách nhiệm về khoản tiền tiết kiệm của Benard.
Benard sử dụng tên tiếng Anh như một hình thức ẩn danh vì giao dịch tiền ảo bị cấm tại Trung Quốc. Sau khi phi vụ đầu tư đổ bể, anh này còn đổ lỗi cho truyền thông vì đã giúp quảng bá đồng tiền lừa đảo này.
Trên thực tế, không chỉ riêng Benard, nhiều nhà đầu tư khác cũng lên tiếng chỉ trích rằng việc bơm thổi những đồng tiền ảo ăn theo như SQUID không khác gì quảng bá ngầm cho chúng.
"Trên lĩnh vực đầu tư tiền ảo, mọi người đều vội vã, đôi khi họ cảm thấy mình rơi vào trạng thái FOMO, sợ bị bỏ lỡ một món hời lớn", Benard bày tỏ.
SQUID lấy ý tưởng từ một bộ phim cùng tên của Hàn Quốc vốn đã rất nổi tiếng trên nền tảng Netflix thời gian gần đây. SQUID là token gốc của dự án với tổng cung 800 triệu token, được phát triển trên Binance Smart Chain (BSC). Giá token SQUID của dự án từ lúc tăng đến đỉnh và trở về 0 chỉ sau 10 phút đồng hồ.
Hồ sơ giao dịch trên BscScan cho thấy dường như nhà phát triển của đồng SQUID đã thu được ít nhất 3,4 triệu USD từ tiền túi của nhà đầu tư. Vụ lừa đảo này thuộc dạng "rug pull", tức là nhà phát triển đột ngột từ bỏ dự án và cuỗm tiền của nhà đầu tư bằng cách đổi tiền ảo lấy tiền thật.
SQUID được giao dịch trên hai nền tảng là PancakeSwap và DODO BSC. Trong đó, phần lớn khối lượng giao dịch đến từ cặp SQUID/WBNB trên PancakeSwap v2. Được ra mắt từ hồi cuối tháng 10/2021, đến nay những gì còn lại với cặp SQUID/WBNB là một bóng nến trên dài bất tận. Đây là lý do tại sao Squid Game được xem như là một trong những vụ “rug pull” đình đám hiện nay.
Saurabh Dubey quan tâm đến tiền ảo từ năm 2016. Hiện anh đang làm việc cho một công ty kế toán ở Mỹ và trong thời gian rảnh, Dubey thường xuyên giao dịch các đồng altcoin mới.
Đầu giờ chiều hàng ngày, Dubey sẽ xem xét các đồng tiền ảo mới được niêm yết trên CoinMarketCap và CoinGecko để xác định xu hướng giá dựa trên biểu đồ. Anh thường chỉ rót khoảng 100 USD cho những đồng tiền ảo có tiềm năng.
Dubey đã dùng khoản tiền lời thu được từ một đồng tiền ảo ăn theo khác để đầu tư 250 USD vào SQUID. Đó là khi giá của đồng SQUID chỉ dao động ở mức 4 xu, trước thời điểm truyền thông bắt đầu đưa tin về đồng tiền.
Song, sau đó, nhân viên kế toán này nhận thấy một số dấu hiệu cảnh báo đỏ từ đồng SQUID. "Vấn đề lớn nhất là SQUID không bao giờ bị sụt giá. Mọi đồng tiền ảo đều phải có ít nhất một lần giảm điểm, không có chuyện chúng cứ tăng liên tục trong 5 ngày", Dubey cho hay.
Mức độ tăng giá cũng là một mối quan tâm lớn khác. "Khi SQUID đạt 1 USD, tôi nghĩ tăng khoảng 20 lần là hợp lý. Khi giá của đồng tiền này đạt đến 10 USD, tôi bắt đầu thấy có gì đó không ổn. Hầu hết đồng tiền ảo ăn theo đều khó có thể tăng đến mức đó", Dubey nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn có một dấu hiệu cảnh báo khác. Dubey không thể tìm thấy thông tin "cha đẻ" của SQUID trên LinkedIn. Chưa kể, sách trắng và website của đồng tiền này đầy lỗi ngữ pháp và chính tả. Tài khoản Twitter cũng ngăn không cho đăng bình luận. Quan trọng nhất là các nhà đầu tư mua token SQUID trên PancakeSwap nhưng không thể bán nó.
Cuối cùng, Dubey không chịu mấy rủi ro, nhưng những nhà đầu tư như Benard thì lại đánh mất tất cả tiền tiết kiệm.
Rug pull là gì?
Về cơ bản, rug pull là một hành động đáng lên án trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Các nhà phát triển đột ngột từ bỏ dự án và chạy trốn với tiền của các nhà đầu tư. Có thể thấy, rug pull thường xảy ra trong hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi), đặc biệt là trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Bởi lẽ, nơi đây các kẻ xấu sẽ dễ tạo token và niêm yết nó trên DEX. Sau đó, nhờ đặc tính ẩn danh, các khoản tiền của các nhà đầu tư có thể bị rút đi mà gần như không bị phát hiện.
Sau khi một lượng đáng kể các nhà đầu tư tham gia và mua token của dự án, kẻ xấu sau đó sẽ rút mọi thứ khỏi nhóm thanh khoản, khiến giá của các token này về 0. Để thu hút các nhà đầu tư thời gian đầu, những kẻ xấu này thậm chí sẽ PR một cách cường điều hóa về dự án trên các nền tảng truyền thông xã hội. Ban đầu, họ có thể đưa một lượng thanh khoản đáng kể vào các pool để nuôi dưỡng lòng tin của nhà đầu tư.
Cơ chế vận hành của rug pull
Như đã nói ở trên, rug pull thường xảy ra trong lĩnh vực DeFi. Họ sẽ tạo nên các pool thanh khoản sau đó rút hết tiền của nhà đầu tư đã bỏ vào đó. Để hiểu hơn điều này, hãy xem cách hoạt động của các pool thanh khoản như sau.
Về cốt lõi, một pool thanh khoản là một đống tiền của nhà đầu tư bị khóa trong các cặp tiền điện tử cho phép người dùng giao dịch giữa các loại tiền điện tử khác nhau. Các cặp tiền thường bao gồm một loại tiền điện tử phổ biến như Ethereum (ETH) (trong trường hợp của Squid Game là WBNB) vì nó là một token nền tảng được thiết lập tốt với tính khả dụng cao.
Để khuyến khích các nhà đầu tư bỏ tiền vào pool và hoạt động như một nhà cung cấp thanh khoản (LP), phí giao dịch được tính trên các lệnh và được trao dựa trên tổng giá trị cho vay. nhà đầu tư bỏ tiền vào pool, đổi lại họ được hưởng một tỷ lệ phần trăm của phí tổng thể. Hiểu đơn giản là số tiền cho vay càng cao, nhà đầu tư càng kiếm được nhiều tiền.
Một khi những người tạo ra rug pull cảm thấy đã tích lũy được một lượng lớn các LP với nguồn vốn đáng kể, họ sẽ rút tất cả các tài sản có sẵn ra. Các đồng tiền sau đó được trao đổi trên một thị trường khác và nạn nhân không thể truy vết được.
Đặc điểm của các dự án rug pull
Các dự án rug pull thường có một số điểm chung:
Lợi tức quá cao: Để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia trong thời gian ngắn, lợi tức cao là một trong những chiêu trò hiệu quả nhất. Nhiều nhóm DeFi đưa ra mức lợi tức không tưởng để kích thích lòng tham của các nhà đầu tư. Ví dụ như WhaleFarm đã đưa ra mức lợi tức vượt quá 100% APY, trong khi một số pool khác chỉ dừng lại ở mức vài phần trăm. Nếu bạn thấy một pool cung cấp lợi nhuận quá tốt, đây có thể là một dấu hiệu đáng ngờ.
Đội ngũ ẩn danh: Có thể có lý do để người sáng tạo ẩn danh, từ bảo mật và quyền riêng tư cho đến lý do cá nhân. Tuy nhiên, việc ẩn danh cũng khiến những kẻ xấu khó bị theo dõi hơn sau khi thực hiện một vụ lừa đảo. Nếu một dự án được bắt đầu ẩn danh, với các tài khoản mạng xã hội mới được tạo trong vòng vài ngày hoặc vài giờ sau khi ra mắt thì đó là một lá cờ đỏ lớn.
Giá đồng coin tăng phi mã: Với bất kỳ tài sản nào, nếu bạn không thể thấy lý do tại sao giá trị đang tăng nhanh chóng, hãy cẩn thận. Những kẻ lừa đảo có thể bơm thổi một dự án bằng cách huy động vốn hoặc tạo ra sự cường điệu giả để thu hút mọi người FOMO và tham gia vào. Nếu bạn không thấy các lý do chính đáng cho sự tăng giá phi mã này, hãy thật cẩn thận.
Không có khóa thanh khoản: Hầu hết các pool thanh khoản hợp pháp đều khóa tiền của nhà đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này làm được hai điều. Đầu tiên, tính thanh khoản của nhóm cần thiết cho việc hoán đổi token, cho vay và các hoạt động khác được đảm bảo, để nhóm có thể tiếp tục hoạt động. Thứ hai, nó giúp những người sáng lập không bỏ dự án và chạy trốn với toàn bộ số tiền của nhà đầu tư. Một pool thành khoản nếu không có khóa, đó cũng là một sự nghi vấn khác.