Sàn Cashboom được quảng cáo là sàn bảo hiểm từ nước Anh, với lãi suất lên tới 50 - 60%/tháng. Tuy nhiên, khi sàn "sập", thủ lĩnh các chi nhánh đều chối bay trách nhiệm và nói rằng họ cũng không biết ai là chủ sàn.
Sàn Cashboom được quảng cáo là sàn bảo hiểm từ nước Anh, với lãi suất lên tới 50 - 60%/tháng. Tuy nhiên, khi sàn "sập", thủ lĩnh các chi nhánh đều chối bay trách nhiệm và nói rằng họ cũng không biết ai là chủ sàn.
Theo Dân trí, website của hệ thống sàn giao dịch Cashboom đã đột ngột “sập” và khóa mọi nền tảng mạng xã hội.
Theo quảng cáo, sàn Cashboom là sàn bảo hiểm vốn 100% đến từ Vương quốc Anh, có ký quỹ 50 triệu bảng Anh để bảo vệ vốn cho nhà đầu tư. Theo đó, mức lãi suất mà người chơi nhận được sẽ lên tới 50 - 60%/tháng.
Một ngày, sàn có 3 phiên giao dịch, mỗi phiên cam kết mang về lợi nhuận ít nhất 1%/tổng số tiền đầu tư. Để tham gia, người chơi phải bỏ vào sàn từ 100 USD trở lên. Việc nạp, rút tiền đều tự động trên ví của sàn và tùy ý nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, giống với đa số các sàn giao dịch lừa đảo khác, Cashboom cũng có cơ chế chia hoa hồng nếu nhà đầu tư mời được người chơi mới, tùy vào số tiền người đó đầu tư. Mức hoa hồng cho số tiền đầu tư 1.000 - 4.999 USD, 5.000 - 9.999 USD, 10.000 - 19.999 USD, 20.000 - 50.000 USD lần lượt là 1%, 1,5%, 2%, 2,5%.
Theo chị Đ.D, một người tố sàn Cashboom lừa đảo cho biết, từ cuối tháng 8, sàn này liên tục chạy các chương trình quảng cáo, tiếp cận nhà đầu tư qua các ứng dụng như zalo, telegram.
Sau khi gom đủ người, các đối tượng sẽ cho nhà đầu tư tham gia những buổi họp qua zoom để giới thiệu về công ty.
Chị D. cho biết cách tham gia vào Cashboom khá đơn giản, nhà đầu tư chỉ cần nạp tiền vào ví trên sàn, đóng bảo hiểm theo gói, theo tuần. Sau đó, người chơi chỉ cần đánh lệnh, thực hiện theo chỉ điểm của chuyên gia tự phong.
Sau đó, Cashboom sẽ mở các buổi đào tạo để hướng dẫn người chơi tự giao dịch không có bảo hiểm, tự chịu rủi ro và xây dựng hệ thống.
Nhưng từ tháng thứ 2 trở đi, cứ vài ngày, website lại bảo trì hệ thống khiến nhà đầu tư không thể nạp, rút tiền. Cho đến cuối cùng, sàn đóng website khiến các nhà đầu tư hoang mang không biết tìm ai đòi lại tiền.
Bên cạnh đó, chị D. cho hay, sau khi website sập, các nhà đầu tư đều đem sự việc kiến nghị lên thủ lĩnh chi nhánh Cashboom. Tuy nhiên, những người này cũng chối bay trách nhiệm và nói rằng họ cũng không biết ai là chủ sàn.
Không chỉ vậy, với nhóm nhà đầu tư tin tưởng Cashboom, người ở sàn Cashboom luôn động viên mọi người ngồi im chờ đợi. Đồng thời, trong lúc đó, họ sẽ dẫn người chơi đi kiếm tiền ở các sàn tương tự, không có bảo hiểm.
Nhìn chung, cách thức hoạt động, vận hành của Cashboom không có nhiều khác biệt so với các sàn trước đó đã sập như Coolcat, Pchome, FxTradingmarkets, Busstrade. Các sàn này đều đưa ra những mức lãi suất "khủng" nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Để mở rộng quy, họ sẽ tạo ra những hệ thống chân rết chằng chịt với mức hoa hồng cực cao để người này lôi kéo người kia.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để ngăn chặn những sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, forex, người dân, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay, xử phạt thật nặng các đối tượng. Bên cạnh đó, chú trọng việc nâng cao kiến thức, giáo dục tài chính cho người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng sâu vùng xa; thiết lập một kênh truyền thông riêng để tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo mọi người về các hoạt động đa cấp, sàn giao dịch.