Trải qua một tuần làm việc vừa qua, thị trường vàng đã chứng kiến số ngày tăng điểm áp đảo. Theo đó, trong hai phiên đầu tuần, kim loại quý này đã đồng loạt đi lên trước do đồng đô la Mỹ suy yếu.
Tuy nhiên, ở hai phiên tiếp theo giá kim loại quý này lại đi xuống sau khi báo cáo lạm phát trong tháng 7 của Mỹ được công bố cho thấy lạm phát không nóng như dự báo trước đó của thị trường. Cụ thể, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này không thay đổi, sau khi tăng 1,3% trong tháng 6.
Lạm phát Mỹ hạ nhiệt đã làm giảm đáng kể khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, qua đó giảm tải áp lực về triển vọng kinh tế cũng như nguy cơ về một cuộc suy thoái. Điều này đã thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, tiền ảo, qua đó khiến giá vàng đi xuống.
Chốt phiên cuối tuần ngày 13/8, giá vàng lại bật tăng mạnh mẽ trở lại, khi bình luận của các quan chức FED làm giảm hy vọng về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chốt phiên làm việc cuối tuần tại thị trường New York, giá vàng giao ngay đã vượt lên mức 1.805 USD/ounce, đảo chiều tăng mạnh 14 USD/ounce, tương đương 0,78%.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích của Chuyên trang về Thị trường vàng Kitco Metals có trụ sở tại Canada nhận định, ban đầu thị trường vàng có phản ứng tích cực, khi số liệu lạm phát thúc đẩy kỳ vọng FED sẽ nới tay với chính sách tăng lãi suất. Tuy nhiên, kim loại quý này đã chịu sức ép sau khi Chủ tịch chi nhánh FED tại Minneapolis Neel Kashkari và Chủ tịch chi nhánh FED tại Chicago Charles Evans khẳng định về lộ trình tiếp tục tăng lãi suất.
Theo các chuyên gia, FED sẽ cần tăng lãi suất lên 3,9% vào cuối năm và lên 4,4% vào cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Vàng được đánh giá là tài sản có xu hướng hoạt động tốt trong môi trường lãi suất thấp.
Trong khi đó, đưa ra nhận định về xu hướng của giá vàng tuần này, nhiều nhà phân tích cho rằng, kim loại quý này vẫn còn cơ hội đi lên trước tín hiệu tích cực từ thông tin giá cả tiêu dùng tại Mỹ bớt nóng, và đồng đô la Mỹ được cho là sẽ không leo thang trong thời gian tới.
Bằng chứng, theo kết quả cuộc khảo sát của Kitco News với 11 nhà phân tích Phố Wall thì có 45,5% số người dự báo giá vàng tăng và cũng có 45,5% cho rằng kim loại quý sẽ đi ngang. Chỉ còn lại 9% số người dự báo giá vàng sẽ giảm. Trong khi đó, cuộc thăm dò trực tuyến Main Street tuần này chỉ có 216 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì có 42,1% số người tham gia dự báo giá vàng tăng. Còn 28,7% đưa ra quan điểm vàng sẽ giảm và 29,2% còn lại nghĩ rằng kim loại quý sẽ đi ngang.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng liên tục biến động theo thế giới. Ở phiên cuối tuần, giá SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 100 nghìn đồng/lượng, kéo giá bán ra tiến gần mốc 68 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, giá vàng hiện đang biến động khó lường, vì vậy nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Cụ thể, tính đến thời điểm cuối giờ phiên cuối tuần ngày 13/8, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra là 67,62 triệu đồng/lượng, tăng tương đương 100 nghìn đồng/lượng so với phiên trước đó. Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra ở mức 67,55 triệu đồng/lượng.