Đại diện WB bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của cơ sở hạ tầng, kinh tế năng động cũng như độ mở của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Đại diện WB bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của cơ sở hạ tầng, kinh tế năng động cũng như độ mở của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng vừa có buổi tiếp và làm việc với ông Mohd Hassan Ahmad, Giám đốc Văn phòng nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Nam Á. Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng nhau trao đổi về một số điểm nhấn về triển vọng kinh tế của Việt Nam; lộ trình tài trợ của WB trong bối cảnh hiện nay; kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu; các chương trình, dự án mà WB và Việt Nam đang triển khai.
Về phía WB, ông Mohd Hassan Ahmad mong muốn có cơ hội cung cấp cho các cơ quan quản lý của các nước đối tác triển vọng kinh tế trong bối cảnh xung đột Ukraina – Nga; lắng nghe khó khăn, thách thức, quan điểm của các quốc gia đối tác để thúc đẩy mối quan hệ 2 bên.
Đại diện WB cũng bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của cơ sở hạ tầng, kinh tế năng động cũng như độ mở của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ông cho rằng, sự tăng trưởng của một số chỉ tiêu xuất khẩu chính, cán cân thương mại, lãi suất, tỷ giá, …. sẽ là cơ sở tăng cường thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam mạnh hơn trong thời gian tới đây.
Theo ông Mohd Hassan Ahmad, một trong những rủi ro chính mà các quốc gia phải đối mặt là triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng bị đình trệ; tình hình lạm phát gia tăng; giá cả hàng hóa tăng cao;… Những yếu tố này sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chuỗi cải cách tài khóa và tiền tệ.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhận định trong thời gian tới, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, nên sẽ chịu những tác động nhất định từ những biến động của kinh tế thế giới và khu vực.
Thứ trưởng chia sẻ, Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh về chính sách thuế để giảm áp lực của lạm phát như giảm thuế nhập khẩu ngô, đầu tương, ngũ cốc;… Việt Nam cũng đang trong giai đoạn thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng. Đây cũng là những vấn đề khó khăn đối với Việt Nam. “Chúng tôi cũng đã và đang cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là yếu tố duy trì mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực, là một trong hai nền kinh tế được tổ chức xếp hạng quốc tế S&P nâng hạng tín nhiệm mới đây.”- Thứ trưởng cho biết thêm.
Hoan nghênh WB có sáng kiến dành nguồn lực đảm bảo an ninh quốc phòng cho các nền kinh tế có khả năng chịu thiệt hại do xung đột Nga - Ukraina, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ sớm tiếp cận được nguồn lực, điều kiện về gói hỗ trợ này để có thể trao đổi, thảo luận, xác định nhu cầu.