Các nhà sử học trong tương lai có thể coi năm 2022 là một bản lề trong lịch sử, đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên khác...
Các nhà sử học trong tương lai có thể coi năm 2022 là một bản lề trong lịch sử, đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên khác...
Nền chính trị Anh rung chuyển: Sẽ không bao giờ là tốt khi nhiệm kỳ của một Thủ tướng được đo bằng “Scaramuccis” – ám chỉ đến vụ giám đốc truyền thông của Nhà Trắng chỉ nắm chức vụ trong vỏn vẹn 10 ngày. Nhưng đó là tình hình của Vương quốc Anh vào năm 2022. Đất nước có đế chế từng trải rộng khắp thế giới có ba thủ tướng chỉ trong hai tháng và cũng mất đi vị vua trị vì lâu nhất thế giới. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở số 10 phố Downing là do hơn 50 thành viên trong chính phủ của ông Boris Johnson đã từ chức vào tháng 7 để phản đối chuỗi bê bối dường như vô tận dưới thời ông này. Ông Johnson sau đó đã đồng ý từ chức và được kế nhiệm bởi bà Liz Truss. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của bà này cũng chỉ kéo dài 45 ngày - nhiệm kỳ ngắn nhất của bất kỳ thủ tướng Anh nào trong lịch sử. Bà Truss đã đặt dấu chấm hết cho nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi của mình bằng cách cắt giảm thuế ngay lập tức. Động thái này đã khiến giá trị của đồng bảng Anh giảm mạnh. Ông Rishi Sunak - người là kiến trúc sư tạo ra sự sụp đổ của chính phủ ông Johnson, đã vinh dự trở thành thủ tướng da màu đầu tiên của nước Anh. Ông này phải đối mặt với những cơn gió ngược đầy khó khăn. Nước Anh dường như đang trong thời kỳ suy thoái với lạm phát ở mức 15%, một phần là do giá năng lượng tăng chóng mặt sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Vấn đề lớn hơn và nguyên nhân rộng lớn hơn dẫn đến tình trạng hỗn loạn của nước Anh là Brexit đã không tạo ra vận may kinh tế như những người ủng hộ cuộc ra đi này đã hứa. “Những người muốn Anh ở lại EU” giờ đây có thể nói, “Tôi đã nói với bạn về điều này rồi” nhưng việc Anh quay trở lại Liên minh Châu Âu không được bạn đến nữa.
Pakistan hứng chịu bộ ba cuộc khủng hoảng: Các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và khí hậu đã tàn phá Pakistan trong năm 2022. Vào tháng 4, Thủ tướng Imran Khan đã thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, tiếp tục chuỗi thời gian chưa có thủ tướng Pakistan nào hoàn thành đủ nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, Khan đã không lặng lẽ nghỉ hưu. Thay vào đó, ông lãnh đạo những người ủng hộ mình trong một loạt cuộc tuần hành phản đối ở thủ đô Islamabad nhằm tìm cách lật đổ người kế nhiệm ông - Thủ tướng Shehbaz Sharif. Dường như để trả đũa, chính phủ đã buộc tội ông Khan vào tháng 8 vì vi phạm luật chống khủng bố của Pakistan. Vào tháng 11, ông Khan bị thương trong một vụ ám sát bất thành. Ông đổ lỗi cho Thủ tướng Sharif và các quan chức quân sự cấp cao về các vụ tấn công và yêu cầu đất nước tổ chức bầu cử sớm. Khi những người theo cựu Thủ tướng Khan đang biểu tình, các quan chức Pakistan đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của đất nước vì dự trữ ngoại hối cần thiết để tài trợ cho các khoản nợ và thanh toán hàng nhập khẩu đang ở mức thấp một cách nguy hiểm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói cứu trợ vào tháng 8 để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế ngay lập tức. Tuy nhiên, chỉ riêng với Trung Quốc, Pakistan đã nợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này khoảng 30 tỷ đô la (USD), tương đương 30% GDP của Pakistan, và phải trả tổng cộng khoảng 2 tỷ đô la cho các khoản vay nước ngoài vào năm 2023. Các biện pháp cần thiết mà Pakistan phải thực hiện để đảm bảo có được sự giúp đỡ từ IMF có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này ngay cả khi lạm phát tăng vọt. Vào tháng 8, những cơn mưa gió mùa xối xả cùng với việc các sông băng tan chảy đã gây ra những trận lũ lịch sử làm trầm trọng thêm hàng loạt tai ương về chính trị và kinh tế của Pakistan. Một phần ba đất nước bị ngập lụt và hơn một triệu ngôi nhà bị phá hủy. Ba cuộc khủng hoảng của Pakistan khiến 225 triệu công dân của nước này phải đối mặt với một năm 2023 đầy khó khăn.
Khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng: Cuộc chiến Ukraine của Nga tập trung sự chú ý vào những người Ukraine chạy trốn khỏi quê hương để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở nước ngoài. Sự chú ý này đã khiến các cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn ở những nơi khác trên thế giới bị lu mờ đi. Khoảng 32 triệu người trên khắp thế giới hiện đang là người tị nạn, nghĩa là họ đã trốn khỏi quê hương vì bị ngược đãi hoặc để tránh xung đột hoặc bạo lực. Khi tính cả những người di tản trong nước—tức là những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn tiếp tục sống ở quê hương của họ, con số này sẽ tăng vọt lên hơn 100 triệu người. Con số này cao hơn 13 triệu người so với cuối năm 2021, hoặc tương đương với tổng dân số của Ireland, Litva và New Zealand. Sự gia tăng người tị nạn và những người tản cư trong nước chỉ một phần là do cuộc chiến ở Ukraine. Tình hình nhân đạo ở các quốc gia như Syria, Afghanistan, Nam Sudan và Yemen vẫn tuyệt vọng mà không có bất kỳ dấu hiệu giải quyết nào cho thấy có một giải pháp cho các cuộc xung đột vẫn đang âm ỉ này. Chỉ riêng Syria đã chiếm 1/5 số người tị nạn trên thế giới. Bạo lực băng đảng gia tăng ở Haiti đã khiến hàng nghìn người Haiti chạy trốn ra nước ngoài và làm dấy lên tin đồn về sự can thiệp của nước ngoài để lập lại trật tự. Một điểm sáng khả thi vào năm 2023 là Ethiopia. Đầu tháng 11, chính phủ Ethiopia và các nhà lãnh đạo Tigrayan đã ký một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hai năm khiến hơn 5,1 triệu người phải di dời. Tuy nhiên, các cơ quan cứu trợ quốc tế và các tổ chức nhân đạo tư nhân lo ngại rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm giúp đỡ Ukraine đang lấn át nguồn tài trợ cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở những nơi khác.
Châu Mỹ Latinh Dịch chuyển sang cánh tả: Đây là một sự khác biệt hoàn toàn so với 5 năm trước. Năm 2017, các chính trị gia cánh hữu thống trị nền chính trị ở Mỹ Latinh. Nhưng bắt đầu từ năm 2018 với việc ông Andrés Manuel López Obrador đắc cử ở Mexico, gió đã đổi chiều. Ứng cử viên trung tả Alberto Fernández tuyên bố đắc cử tổng thống Argentina vào năm 2019. Ông Luis Arce theo chủ nghĩa xã hội đắc cử Tổng thống Bolivia năm 2020. Năm ngoái, ông Pedro Castillo theo chủ nghĩa xã hội trở thành Tổng thống Peru và ông Gabriel Boric theo cánh tả trở thành Tổng thống Chile. Xu hướng cánh tả tiếp tục vào năm 2022 khi nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ Xiomara Castro tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Honduras, cựu chiến binh nổi dậy Gustavo Petro đã làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia và cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trở lại vị trí Nhà lãnh đạo Brazil bằng cách đánh bại đối thủ cánh hữu đương nhiệm Jair Bolsonaro.
Đại dịch cuối cùng cũng kết thúc: Ba năm sau khi COVID bùng phát, thế giới dường như đã xoay chuyển tình thế đối với đại dịch toàn cầu đầu tiên trong một thế kỷ. Vào tháng 9, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng sự kết thúc của đại dịch “đang ở trước mắt”. Thực tế đó thể hiện rõ qua việc nhiều quốc gia đã từ bỏ lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại và các biện pháp liên quan mà họ đã áp đặt khi COVID quét qua thế giới vào đầu năm 2020. Các nước có thể làm được như vậy là nhờ sự thành công của vắc-xin, các phương pháp điều trị giúp giảm khả năng tử vong do COVID và vì nhiều công dân của họ đã bị nhiễm bệnh và cơ thể đã có khả năng chống lại được virus corona. Một ngoại lệ cho xu hướng này là Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách zero Covid trong thời gian rất dài sau khi mọi quốc gia khác đã từ bỏ chiến lược này. Vào tháng 12 mới đây, Bắc Kinh bất ngờ nới lỏng các hạn chế về COVID.
Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng: Cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ. Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden, được công bố vào tháng 10 năm 2022, đã thẳng thừng đưa ra quan điểm: “Trung Quốc nuôi dưỡng ý định và ngày càng có khả năng định hình lại trật tự quốc tế theo hướng để sân chơi toàn cầu nghiêng về các lợi ích của nước này,” và Mỹ có ý định “chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.” Chính quyền Mỹ chỉ ra việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, tăng cường đe dọa Đài Loan và hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ tràn lan của Bắc Kinh là bằng chứng cho thấy hành vi của Bắc Kinh đã buộc Mỹ phải từ bỏ chính sách chào đón sự nổi lên của Trung Quốc. Phản ứng tức giận cao độ của Trung Quốc đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng như thế nào. Vào tháng 10, Tổng thống Biden đã thực hiện một bước quan trọng để hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách từ chối cho nước này tiếp cận chip bán dẫn tiên tiến và công nghệ cần thiết để thống trị các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Tổng thống Mỹ cũng tiếp tục kêu gọi bạn bè và đồng minh có lập trường cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng hành động đơn phương của chính quyền Mỹ, các sáng kiến thương mại mờ nhạt và việc áp dụng chính sách công nghiệp có thể cướp đi việc làm của chính những người bạn và đồng minh đó, đã làm giảm nỗ lực của Mỹ. Vào giữa tháng 11, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20. Hai nhà lãnh đạo hứa sẽ nỗ lực để giảm căng thẳng và cam kết hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, sự nghi ngờ và đối đầu giữa hai nước có khả năng thống trị mối quan hệ này trong nhiều năm tới.
Cuộc chiến Ukraine: Đây chính là sự kiện đáng chú ý nhất trong năm qua. Cuối năm 2021, các quan chức Mỹ và Anh bắt đầu cảnh báo rằng Nga sẽ tấn công Ukraine. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky, bác bỏ ý tưởng chiến tranh. Nhưng vào ngày 24/2/2022, Nga đã phát động một "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà họ cho là cần thiết để buộc "phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine". Cuộc chiến Nga-Ukraine đang kéo dài dai dẳng mà không có hồi kết khi cả hai bên đều nhất quyết theo đuổi những điều kiện mà mình đặt ra. Moscow đã giành quyền kiểm soát vùng Donbas ở miền đông Ukraine và quân đội Kiev tiếp tục chiến đấu giành lại các vùng đất này. Cuộc chiến của Nga đã bộc lộ sự chia rẽ địa chính trị đáng kể. Các quốc gia phương Tây tập hợp lại sau Kiev. Trung Quốc và hầu hết các quốc gia ở Nam bán cầu thì không, mặc dù họ khăng khăng rằng biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Một số nước này đổ lỗi cho việc NATO mở rộng đã châm ngòi cho cuộc chiến ở Ukraine. Khi năm 2022 kết thúc, một lệnh ngừng bắn có vẻ vẫn còn xa vời. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới phải vật lộn để thích nghi với cú sốc giá cả, gián đoạn nguồn cung và tình trạng thiếu lương thực do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.