Trong những ngày gần đây, một loạt các thương hiệu lớn đã lần lượt nói lời chia tay với thị trường Nga.
Trong những ngày gần đây, một loạt các thương hiệu lớn đã lần lượt nói lời chia tay với thị trường Nga.
Tuần trước là hãng đồ ăn nhanh McDonald và chuỗi đồ uống Starbucks đã chia tay với thị trường Nga. Còn hôm 25/5, đến lượt hãng thời trang thể thao Nike tuyên bố không gia hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Nga.
Đây là một phần làn sóng đáp trả của các thương hiệu phương Tây nhắm vào thị trường Nga lúc này - hệ quả của việc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Điều đáng nói là những thương hiệu phương Tây này đều mang tính biểu tượng và đã gắn bó với người tiêu dùng Nga hàng chục năm qua.
Đầu năm 1990, nhiều người Nga xếp hàng dài để thưởng thức những chiếc hambuger đầu tiên của McDonald's. Hơn 30 năm sau, người tiêu dùng Nga cũng xếp hàng dài để ghi nhớ những chiếc bánh cuối cùng của thương hiệu Mỹ.
Nhưng McDonald's cũng giống như nhiều thương hiệu khác không dứt áo hẳn. Cụ thể là McDonalds đã bán lại mảng kinh doanh với hơn 800 cửa hàng cho doanh nhân người Nga Alexander Govor. Sau khi việc thanh lý hoàn tất, các nhà hàng tại Nga sẽ không còn được sử dụng tên, logo và thực đơn của McDonald's nữa.
Còn Starbucks - hãng đồ uống nổi tiếng đến từ bang Seattles của Mỹ đã vừa chính thức dừng hoạt động tại Nga sau hơn 15 năm phát triển với hơn 130 cửa hàng và hơn 2.000 nhân viên tại Nga.
"Starbucks không thể tiếp tục hoạt động tại Nga khi mà xung đột vẫn chưa có hồi kết. Thị trường và người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến việc doanh nghiệp ứng xử như thế nào. Tôi cho rằng đang có một làn sóng các doanh nghiệp Mỹ nối gót nhau rời khỏi thị trường Nga. Các doanh nghiệp này cũng chưa có dấu hiệu muốn nối lại quan hệ trong tương lai", ông Christian Ledoux - Trưởng phòng nghiên cứu đầu tư tại Captrust nhận định.
Cái tên mới nhất cũng theo làn sóng này là hãng thời trang thể thao Nike. Hôm 25/5, giám đốc PR của công ty mẹ của Nike tuyên bố các cửa hàng tại Nga sẽ đóng cửa. Tin này được người tiêu dùng Nga đón nhận với những phản ứng trái chiều.
"Không thực sự quan trọng. Còn nhiều hãng quần áo và giày dép tốt trên thị trường. Có rất nhiều nhãn hiệu chưa bỏ đi. Đối với tôi, tôi mặc đồ hãng gì không quan trọng nếu chất lượng tốt", anh Alexander - người dân Moskva cho hay.
Anh Pavel - người dân Moskva nói: "Tin này thật đáng buồn. Giờ chúng tôi lại phải mua hàng của Nike qua những người bán hàng xách tay. Hôm nay tôi đã phải đến cửa hàng Nike ngay từ sớm để săn những món đồ mới nhất trước khi họ đóng cửa".
Những thương hiệu phải chịu tổn thất không nhỏ từ việc rút lui khỏi Nga. Trong báo cáo tài chính quý gần nhất, McDonald's cho biết việc đóng cửa các nhà hàng ở Nga khiến họ thiệt hại 127 triệu USD. Starbucks không công bố con số thiệt hại, nhưng cũng cam kết vẫn sẽ trả lương cho các nhân viên Nga trong 6 tháng tới.