Lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua do đồng yên yếu đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao trong bối cảnh hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua do đồng yên yếu đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao trong bối cảnh hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Dữ liệu cho thấy các công ty Nhật Bản có thể đang từ bỏ suy nghĩ giảm phát khi họ dần dần tăng giá mọi thứ, từ nhiên liệu đến thực phẩm để đáp ứng với chi phí tăng cao hơn.
Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (CPI) trên toàn quốc, loại trừ giá thực phẩm tươi sống dễ biến động nhưng bao gồm năng lượng, trong tháng 10 cao hơn 3,6% so với một năm trước đó, so với mức tăng 3,5% mà các nhà kinh tế dự đoán và tăng nhanh so với mức tăng hàng năm 3,0% của tháng trước.
Mức tăng này là lớn nhất kể từ tháng 2 năm 1982. Dữ liệu cũng xác nhận mức tăng CPI vẫn cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ bảy liên tiếp.
Ông Takeshi Minami - nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết: “Tôi không thay đổi quan điểm rằng đà tăng hiện tại sẽ sớm bắt đầu chậm lại”.
Sự phục hồi nhẹ do đồng yên yếu và kế hoạch hỗ trợ của chính phủ đối với người tiêu dùng để thanh toán các hóa đơn năng lượng cao hơn cũng sẽ giúp kiềm chế giá cả.
“Tôi cho rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào cuối năm và giá cả tăng sẽ bắt đầu giảm trong năm mới,” ông Minami nói thêm.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực từ giá cả tăng nhanh, gây ra mối lo ngại ngày càng tăng đối với các hộ gia đình, Ngân hàng Nhật Bản sẽ không tham gia vào xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu thông qua tăng lãi suất.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda hôm qua (17/11) đã nhắc lại cam kết duy trì kích thích tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế mong manh vẫn đang phục hồi sau suy thoái vì đại dịch COVID-19 và chấp nhận với tình trạng lạm phát hiện nay – một mức lạm phát vẫn còn yếu so với tiêu chuẩn của các nước phát triển khác.