Theo ĐB Tô Văn Tám, người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm.”
Theo ĐB Tô Văn Tám, người dân sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm.”
Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh: Vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân.
Dẫn Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo, ĐB Tô Văn Tám cho rằng, người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt về quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm.
“Sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải giải quyết được vấn đề này.” – ĐB Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Một điểm quan trọng để giải quyết vấn đề, theo ĐB tỉnh Kon Tum, đó là làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
“Ở đây cần nhìn nhận rằng, lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất mang tính lợi nhuận cho Nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội và không mang tính lợi nhuận.” – ĐB Tô Văn Tám nói thêm.
Về các trường hợp thu hồi đất, ĐB cho biết, luật hiện hành và dự thảo luật đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi, phương pháp này giúp cho việc thu hồi cụ thể từng trường hợp, từng dự án. Tuy nhiên, theo ĐB, một vấn đề là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định và vận động theo hướng phát triển. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là rất rộng và cũng theo hướng phát triển.
“Liệu những quy định theo phương pháp này có bao quát hết và dự liệu hết các trường hợp các dự án sẽ phát sinh trong quá trình phát triển hay không là vấn đề Ban soạn thảo cần quan tâm thêm.” – ĐB nêu ý kiến.
Mặt khác, theo ĐB, khi chính quyền, Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân.
“Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi, còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất” - ĐB Tô Văn Tám nêu ý kiến.
Theo ĐB, trong quá trình thương lượng đó cần có sự tham gia của chính quyền, với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhấn mạnh: Quá trình thu hồi đất đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho phát triển đô thị và công bằng xã hội. Tuy nhiên, theo ĐB, Điều 86 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng” là rất rộng.
“Việc xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù cần quy định lại và làm rõ. Nếu nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm. Nếu thu hồi đất để doanh nghiệp làm dự án phải bồi thường theo giá thị trường và thỏa thuận với dân. Việc làm này do chủ đầu tư trực tiếp làm, chính quyền không nên làm rồi lại giao mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay, nảy sinh rất nhiều khiếu kiện kéo dài mà nhà nước đang phải gồng mình khắc phục, xử lý. Nói như vậy không có nghĩa là ta không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên chúng ta phải đặt vấn đề về bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân.” – ĐB nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh cho biết, qua khảo sát cho thấy, khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 đến 60% giá thị trường ở mỗi địa phương tương ứng.
“Như vậy, thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay không ít trường hợp bị lạm dụng. Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng. Mục đích quốc phòng cũng phải quy định rõ, không quy định chung chung, phải quy định khu vực nào là quốc phòng, khu vực nào để kinh doanh. Việc thu hồi đất vì mục đích phúc lợi công cộng cũng phải rõ. Riêng giao đất cho khu kinh tế vì kinh doanh thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường. Đồng thời, phải làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi, đất gắn với mục đích sử dụng đất được cấp theo phương thức như hiện nay hay định giá theo giá trị của đất bất động sản hình thành tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư. Cần xác định nguyên tắc định giá của phương pháp này để làm nguyên tắc xây dựng, sửa đổi luật.” – ĐB Nguyễn Tuấn Anh nêu ý kiến.
ĐB tỉnh Bình Phước phân tích: Mặc dù đối tượng thu hồi đất do nhà nước quản lý nhưng thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm được quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan đến đất bị thiệt hại, liên quan đến sinh kế.
“Nhìn về phố cổ Hà Nội hiện nay cho thấy, việc người dân chen chúc, tạm bợ, chật chội trong các nhà chỉ vài m2 trên một đầu người không phải do thiếu chỗ ở tốt hơn mà chính là sinh kế, là làm việc, việc làm. Vì vậy, cần quy định thêm người dân, tổ chức khi bị thu hồi đất ngoài được bồi thường theo quy định cần xem xét, hỗ trợ thêm. Người dân thì hỗ trợ vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, còn tổ chức doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ tương ứng khi họ đã hy sinh, di dời cho sự nghiệp phát triển, có như vậy chúng ta mới thực hiện đúng mục tiêu chỗ ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ” - ĐB Nguyễn Tuấn Anh đóng góp ý kiến.