Lạm phát Mỹ cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt.
Lạm phát Mỹ cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt.
Đêm 10/6 (theo giờ Việt Nam), Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy lạm phát Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới trong tháng 5, cao nhất trong 40 năm trở lại đây.
Theo số liệu mới được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất từ tháng 12/1981, vượt qua mức 8,5% của tháng 3. Lạm phát cơ bản (không tính đến các mặt hàng lương thực và năng lượng) cũng tăng 6%. Cả 2 chỉ số này đều tăng cao hơn so với dự kiến.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng áp lực lạm phát tháng 5 có thể thấy rõ trên diện rộng, nhất là do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, việc Trung Quốc đóng cửa để kiểm soát dịch và một số nhà máy lọc dầu lớn tạm đóng cửa.
Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% vào tháng 6. Lạm phát cao ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Áp lực giá cả có thể thấy rõ rệt trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động đang thiếu nhân công và tỷ lệ người thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.
Cũng chính vì giá thuê lao động tăng cao mà các doanh nghiệp lại buộc phải tăng giá hàng hóa để bù chi phí.
Chỉ số lạm phát hiện nay của Mỹ đã tăng hơn gấp 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh, dù ngân hàng đã nỗ lực giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất 2 lần vào tháng 3 và tháng 5 vừa qua.
Với tình hình hiện nay, rất có thể Fed sẽ còn điều chỉnh tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa trong năm nay để giải quyết bài toán giá cả tăng phi mã.
Chịu tác động trực tiếp từ thông tin này, trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, cả 3 chỉ số chính đều giảm điểm mạnh. Trong đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm điểm sâu nhất, tương đương 3,2%, xuống còn 11.377 điểm khi chốt phiên.