Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư, nhưng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 5,64%.
Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư, nhưng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 5,64%.
Sáng ngày 29/6/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng năm 2021.
Theo thông tin tại Họp báo, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.
Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, cùng với đó là nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc-xin trong dài hạn, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế. Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vắc-xin; có cơ chế, chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vắc-xin; cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vắc-xin bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
Hai là, chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Ba là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Bốn là, tăng cường đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Năm là, chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội).
Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm…