Kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraina đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của các tổ chức quốc tế đều giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.
Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời đạt được mục tiêu của Nghị Quyết Đại hội XIII, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp...
Kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Bằng chứng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2022 có xu hướng dần phục hồi. Tăng trưởng kinh tế quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 5,03% (cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020), tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 7,79%. Khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%, trong đó một số ngành dịch vụ thị trường đã thể hiện dấu hiệu phục hồi tích cực như bán buôn, bán lẻ tăng 2,98%; vận tải kho bãi tăng 7,06%.
Cùng với đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, thu hoạch lúa mùa vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khá; chế biến và xuất khẩu gỗ có nhiều tín hiệu tích cực; xuất khẩu thủy sản khởi sắc. Sản xuất công nghiệp trong quý I năm 2022 khởi sắc khi các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Ba khá sôi động với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa ghi nhận mức tăng tích cực. Vận tải hàng hóa tháng Ba tăng 15,7% về vận chuyển và tăng 9,7% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; tính chung quý I năm 2022, vận tải hàng hóa tăng 8,2% và tăng 8,8%.
Đặc biệt, trong tháng Ba, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Cùng với đó, trong quý I năm 2022, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 34,6 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 471,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý I năm 2022 đạt 1.177,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II năm 2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I năm 2022. Đây là kết quả quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I năm 2022 tăng trưởng tích cực, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý I của các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của quý I các năm 2018-2022 (Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I các năm 2018-2021 lần lượt là 3,88 tỷ USD; 4,12 tỷ USD; 3,90 tỷ USD; 4,10 tỷ USD; 4,4 tỷ USD).
Ngoài ra, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang gánh chịu cơn “bão giá” chưa từng có trong vài chục năm qua.