Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương chưa ghi nhận việc các doanh nghiệp trong nước phản ánh việc thiếu nguyên liệu đầu vào.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương chưa ghi nhận việc các doanh nghiệp trong nước phản ánh việc thiếu nguyên liệu đầu vào.
Trả lời báo chí liên quan đến khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc như một số báo chí đăng tải trong thời gian gần đây, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương Nguyễn Ngọc Thành cho biết, trên thực tế, giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra việc thiếu điện dẫn đến một số ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có các sản phẩm về nguyên liệu cung ứng đầu ra cho thị trường cũng bị giảm sút.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương chưa ghi nhận việc các doanh nghiệp trong nước phản ánh việc thiếu nguyên liệu đầu vào.
Ông Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ, thực tế chúng ta đã đối mặt với việc này từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu vào năm 2020. “Việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ dệt may, da giày cũng như các sản phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp nặng cũng đã được các doanh nghiệp có kinh nghiệm ứng phó và dần thích nghi”, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương chia sẻ.
Bên cạnh đó, với lần tái dịch bệnh lần 3, 4 diễn ra trong thời gian qua, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước cũng từ đó bị giảm sút, thậm chí có những doanh nghiệp của 19 tỉnh phía Nam phải dừng hoạt động. Chính vì vậy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện nay chúng ta chưa thấy rõ sự thiếu hụt và các doanh nghiệp cũng chưa đề cập đến vấn đề này.
“Về lâu dài, một số mặt hàng, chẳng hạn như mặt hàng thép trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được như thép xây dựng, chúng ta không lo ngại về vấn đề lệ thuộc vào các nước bạn. Một số ngành khác với những biến động ngắn hạn như vừa qua từ phía Trung Quốc thì trong thời điểm này cũng chưa thể đánh giá việc ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào của Việt Nam” - Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành khẳng định.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên trao đổi để xem xét và có phản ánh nhất định các trường hợp về nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các doanh nghiệp.
Trước đó, Truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa tin về tình trạng thiếu điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất tại nhiều vùng ở nước này. Cuộc khủng hoảng điện năng trở nên trầm trọng do thiếu nguồn cung cấp than cho các nhà máy điện trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong các ngành sản xuất và người dân.
Nguồn cung cấp than bị thiếu thốn một phần do các hoạt động công nghiệp hoạt động trở lại trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch COVID-19. Mâu thuẫn thương mại với Australia - nước xuất khẩu than lớn thứ 2 thế giới, đã khiến các chuyến hàng bị ngừng lại. Các nguồn nhập khẩu khác từ Nga, Indonesia và Mông Cổ cũng bị ảnh hưởng vì nhiều yếu tố.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương thời gian qua siết chặt quy định sản xuất điện than trước sức ép đạt mục tiêu cắt giảm khí thải do Trung ương đặt ra. Thế nhưng, các nguồn năng lượng thay thế chưa đủ để bù đắp sự cắt giảm đã gây ra tình trạng thiếu điện.
Giá than nhiệt giao sau tại Trung Quốc đã tăng 29% sáu tháng qua, lên 780 nhân dân tệ, tương đương 120,80 USD một tấn vào ngày 19/9, theo Bộ Thương mại nước này. Giá than liên tục lập kỷ lục do lo ngại về an toàn mỏ và ô nhiễm khiến nguồn cung trong nước hạn chế.
Trong khi đó, nhiệt điện than chiếm khoảng 60% lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc vào năm ngoái, nhưng do giá vẫn ở mức cao nên nhu cầu sản xuất của các nhà máy điện đã giảm dần. Nước này còn đang duy trì cấm vận các lô hàng từ Australia. Ở nước ngoài, giá khí đốt tự nhiên từ châu Âu đến châu Á cũng đã tăng lên mức cao theo mùa, do thiếu hụt nguồn cung. Giá bán điện thấp nhưng giá than leo thang khiến các nhà máy nhiệt điện đối mặt với tình trạng càng đốt nhiều than càng mất tiền.