Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã chứng khoán: AGF) do không công bố thông tin.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã chứng khoán: AGF) do không công bố thông tin.
Theo đó, ngày 22/12/2021, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 454/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (UPCoM: AGF), địa chỉ trụ sở chính tại 1234 Trần Hưng Đạo, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang bị phạt 100.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Quyết định xử phạt nêu rõ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang đã không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX): Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét, Báo cáo tài chính Quý 3, 4/2020, Quý 1/2021, Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2020.
Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Báo cáo tài chính sau kiểm toán niên độ tài chính 2018-2019, Báo cáo thường niên năm 2019;
Công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của HNX: Báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2019, Báo cáo tài chính Quý 1/2020).
Thủy sản An Giang tiền thân là Xí nghiệp Đông lạnh An Giang được thành lập từ năm 1985, được cổ phần hóa vào năm 2001. Thời điểm đó, Công ty đứng thứ 2 cả nước về năng lực chế biến xuất khẩu thủy sản (sản phẩm chính là cá basa và cá tra đông lạnh). Hiện Công ty có vốn điều lệ 281 tỷ đồng.
Theo Báo Đầu tư, giai đoạn mới cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn tích cực, nhưng từ năm 2015 trở lại đây bắt đầu chuyển biến xấu. Năm 2015, Công ty lỗ 445 triệu đồng, năm 2016 lãi nhẹ 2,5 tỷ đồng để rồi sau đó chìm sâu trong thua lỗ.
Tháng 6/2021, cổ phiếu AGF bị hạn chế giao dịch do Công ty bị âm vốn chủ sở hữu, chậm công bố báo cáo tài chính năm 2020 và không có biện pháp khắc phục.
Giải trình với cổ đông về khoản lỗ lũy kế lên đến 754 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Ký, Giám đốc Công ty cho biết, từ cuối năm 2015, thị trường Mỹ và châu Âu tiêu thụ mạnh cá fillet, Công ty đầu tư vùng nuôi hơn 110 ha, sản lượng hơn 60.000 tấn.
Nhưng từ năm 2016, việc xuất khẩu vào Mỹ gặp khó khăn do Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế chống phá giá cá fillet quá cao, dẫn đến tồn đọng nguyên liệu dưới ao, hệ quả Công ty chịu lỗ hơn 500 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông của AGF hiện nay, Công ty cổ phần Hùng Vương (mã HVG) sở hữu 79,58% vốn và SCIC nắm 8,24%. SCIC đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại AGF, giá trị tương ứng 23,17 tỷ đồng.
Công ty mẹ HVG từng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủy sản nhưng cũng chịu thua lỗ nặng vài năm trở lại đây và đã bị hủy niêm yết bắt buộc từ năm 2020. Đến cuối năm 2019, tổng lỗ lũy kế của HVG lên đến 1.743 tỷ đồng.