Giá dầu thế giới giảm 1 USD/thùng vào phiên giao dịch hôm 15/7 khi giới đầu tư cho rằng liên minh OPEC+ sẽ đi đến một thoả thuận tăng sản lượng. Ngoài ra, số liệu cho thấy tồn kho xăng của Mỹ tăng cũng gây áp lực giảm giá lên dầu.
Giá dầu thế giới giảm 1 USD/thùng vào phiên giao dịch hôm 15/7 khi giới đầu tư cho rằng liên minh OPEC+ sẽ đi đến một thoả thuận tăng sản lượng. Ngoài ra, số liệu cho thấy tồn kho xăng của Mỹ tăng cũng gây áp lực giảm giá lên dầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,73%, còn 73,47 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 2,02%, còn 71,65 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu Brent và WTI cùng giảm hơn 2% trong phiên ngày thứ Tư, sau khi hãng tin Reuters nói rằng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đi đến một thoả hiệp nhằm mở đường cho thoả thuận nâng sản lượng khai thác dầu của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga.
“Giá dầu đã tăng quá nhiều, nên các nhà giao dịch có thể muốn chốt lời một chút trước khi có một thoả thuận thực sự”, nhà giao dịch cấp cao Avtar Sandu thuộc Philipps Futures ở Singapore nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs, Citigroup và UBS cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong những tháng sắp tới, cho dù OPEC+ có đạt được thoả thuận tăng sản lượng.
“Thị trường dầu hiện tại đang thiếu cung và tăng trưởng nhu cầu đang vượt tăng trưởng nguồn cung. Thị trường có thể thắt chặt hơn nữa trong mùa hè năm nay”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định.
“Chúng tôi cho rằng sự suy giảm lượng dầu tồn kho đang diễn ra trên toàn cầu có thể đưa giá dầu Brent lên 80 USD/thùng và giá dầu WTI lên 77 USD/thùng trong thời gian từ nay đến tháng 9”.
Số liệu do Bộ Năng lượng Mỹ công bố vào hôm thứ Tư tuần này cho thấy tồn kho dầu thô giảm tuần thứ 8 liên tiếp. Tuy nhiên, tồn kho xăng và dầu diesel tăng lần đầu tiên kể từ đầu tháng 6 cho dù các nhà máy lọc dầu giảm công suất, dẫn tới lo ngại về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu chững lại.
Con số cho thấy tồn kho xăng và dầu diesel của Mỹ tăng đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư nhiều hơn con số về tồn kho dầu thô giảm. Ngoài ra, giá dầu còn chịu sức ép từ thống kê cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng 7,9% trong quý 2, thấp hơn so với mức dự báo tăng 8,1% mà giới phân tích đưa ra trước đó.