Intel đang có kế hoạch xây dựng một số cơ sở mới tại Pháp và Italy cùng một nhà máy quy mô lớn tại Đức nhằm đạt mục tiêu tăng sản lượng toàn cầu.
Intel đang có kế hoạch xây dựng một số cơ sở mới tại Pháp và Italy cùng một nhà máy quy mô lớn tại Đức nhằm đạt mục tiêu tăng sản lượng toàn cầu.
Intel dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại Pháp, có thể tại Paris hoặc Grenoble, và đặt một nhà máy thử nghiệm - đóng gói tại Italy, theo một số nguồn tin ẩn danh của Bloomberg. Bên cạnh đó, Intel cũng sẽ nhiều khả năng xây dựng một nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Saxony, Đức. Tổng vốn đầu tư của các dự án này sẽ là hàng chục tỷ USD.
Các nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất ở thời điểm hiện tại thường có chi phí trên 20 tỷ USD, trong khi các thiết bị sản xuất chính lại có thể trở nên lạc hậu trong vòng 5 năm. Nhà máy sản xuất tại Đức có thể có chi phí tương đương mức đó, trong khi nhà máy thử nghiệm và đóng gói tại Italy có thể sẽ tiêu tốn 10 tỷ USD. Theo nguồn tin, Intel và chính phủ Italy vẫn đang đàm phán về địa điểm xây nhà máy.
Đại diện của Intel tại Mỹ và châu Âu cũng như đại diện chính phủ Pháp, Đức và Italy đều từ chối bình luận.
CEO Intel Pat Gelsinger đang nỗ lực đưa nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới quay trở lại thời hoàng kim trước kia. Intel đã mất đi lợi thế về công nghệ và một phần thị phần vào tay các đối thủ - vấn đề đang được tập đoàn này đối phó bằng những khoản chi mạnh tay gần đây. Gelsinger cũng muốn đem hoạt động sản xuất chip về lại Mỹ và châu Âu nhằm cân bằng với vị thế thống trị của các nhà sản xuất chip châu Á.
Đối với châu Âu, động thái này của Intel sẽ góp phần làm giảm tốc độ suy thoái của ngành công nghiệp chip tại châu lục này. Intel hiện có một nhà máy tại Ireland, trong khi GlobalFoundries sở hữu một số nhà máy trước kia thuộc về AMD tại Dresden (Đức). Tuy nhiên, các nhà sản xuất chip châu Âu thường không sản xuất các loại chip tiên tiến nhất trong ngành. 2 tập đoàn sản xuất chip lớn nhất châu Âu NXP Semiconductors và STMicroelectronics hiện chủ yếu tập trung vào chip cho ô tô và các thiết bị khác, không phải các loại chip cao cấp cho máy tính như Intel.
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu đã khơi dậy lại lo ngại về việc các nhà máy sản xuất chip hiện đang tập trung tại châu Á. Các công ty như TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc) đang càng ngày càng hiệu quả hơn trong sản xuất chip tiên tiến và khiến Intel phải tăng tốc để bắt kịp. Gelsinger cho rằng việc xây dựng thêm các nhà máy chip vòng quanh thế giới sẽ giúp tránh một cuộc khủng hoảng như hiện nay.
Tham vọng của Intel có thể tạo ra thêm hàng nghìn việc làm quanh thế giới. Riêng tại Malaysia, khoản đầu tư dự kiến vào các nhà máy đóng gói chip mới trị giá 7,1 tỷ USD có thể tạo ra 4000 việc làm tại quốc gia này.
Tuy nhiên, ngay cả với sự trợ giúp về tài chính của chính phủ một số quốc gia, Intel đang phải dành ra tới 28 tỷ USD cho các nhà máy và thiết bị mới trong năm 2022, tăng nhiều so với mức 18 tỷ USD trong năm 2021. Điều này đang làm các nhà đầu tư quan ngại do lo rằng khoản đầu tư quá lớn có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, Intel phải chi mạnh tay nếu muốn bắt kịp với các khoản đầu tư tương tự của TSMC và Samsung.