Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia, gửi văn bản góp ý kiến đến Ban soạn thảo để đạt mục tiêu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử trong tháng 4/2022.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia, gửi văn bản góp ý kiến đến Ban soạn thảo để đạt mục tiêu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử trong tháng 4/2022.
Ngày 18/03, Bộ Công an tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để thảo luận, tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện đến từ 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoạt động định danh và xác thực điện tử, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử. Đồng thời, phục vụ công tác quản lý dân cư của cơ quan chức năng, góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, công dân, đáp ứng yêu cầu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phát biểu đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử gồm 6 chương, 42 điều. Các đại biểu đã tập trung đánh giá về sự cần thiết ban hành Nghị định, bố cục, nội dung cơ bản của Nghị định; đối tượng cấp tài khoản định danh điện tử; mô hình của hệ thống định danh và xác thực điện tử; các thủ tục hành chính được quy định tại dự thảo Nghị định…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận và trân trọng, tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu, đồng thời khẳng định buổi họp này là một trong những lộ trình của Đề án 06 và Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là một trong hai nghị định cốt lõi để triển khai Đề án 06.
Thứ trưởng mong muốn các đại biểu là thành viên Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổ chức thảo luận tại đơn vị theo ngành, lĩnh vực của mình để đảm bảo sự đầy đủ, thống nhất với Bộ Công an. Trong quá trình này, sẽ vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa hoàn thiện nhưng cũng đặt mục tiêu dự thảo này sẽ sớm được ban hành với nội dung cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và hoàn chỉnh nhất. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia, gửi văn bản góp ý kiến đến Ban soạn thảo để đạt mục tiêu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trong tháng 4/2022.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nêu rõ nhiệm vụ Đề án 06 đặt ra với từng bộ, ngành đã rất rõ ràng, tuy nhiên còn một số vướng mắc cần khắc phục như về thể chế, quy trình, công nghệ để thực hiện thông suốt từ trung ương xuống cơ sở để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.
Thứ trưởng khẳng định: với hệ thống Công an 4 cấp, đặc biệt, là lực lượng Công an chính quy ở các xã sẽ giúp các bộ ngành xuống tận cơ sở sẽ hoàn thành dữ liệu chuyên ngành của từng đơn vị trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” trên toàn quốc.
Để Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử ra đời, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, Bộ Công an cũng đề nghị Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi với nhau làm việc với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo.
Hiện, dự thảo Nghị định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến tham gia của người dân.