Apple làm nên lịch sử vào ngày 3/1 khi trở thành công ty Mỹ đầu tiên chạm tay vào vốn hóa 3.000 tỷ USD trước khi sụt giảm ngay dưới mốc này vào cuối phiên.
Apple làm nên lịch sử vào ngày 3/1 khi trở thành công ty Mỹ đầu tiên chạm tay vào vốn hóa 3.000 tỷ USD trước khi sụt giảm ngay dưới mốc này vào cuối phiên.
Đà tăng bền bỉ của cổ phiếu Apple cho thấy sức mạnh của chương trình hoàn vốn của công ty. Trong vài năm qua, Apple đã trở thành công ty chi đậm nhất để mua cổ phiếu quỹ trong S&P 500 từ trước đến nay.
Apple bỏ ra 85,5 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình và 14,5 tỷ USD để trả cổ tức trong năm 2021. Số liệu này vượt qua cả những đại gia khác như Meta (trước là Facebook), Alphabet, Bank of America và Oracle.
Mua lại cổ phiếu quỹ làm tăng giá cổ phiếu của công ty bằng cách làm giảm cung trên thị trường, đồng nghĩa với việc gia tăng lợi nhuận cho cổ đông hiện hữu. Số lượng cổ phiếu giảm làm tăng EPS, thước đo nhiều nhà đầu tư giá trị sử dụng để đánh giá công ty.
Apple bắt đầu trả cổ tức hàng tháng và mua cổ phiếu quỹ từ tháng 3/2012. Kể từ đó và cho đến cuối mùa hè năm ngoái, Apple đã chi hơn 467 tỷ USD để mua lại cổ phiếu, theo S&P Global Market Intelligence. Hãng nghiên cứu này gọi nhà sản xuất iPhone là "tấm gương tiêu biểu nhất" của phong trào mua lại cổ phiếu.
Trên thực tế, kể từ khi Apple lần đầu đạt cột mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD vào tháng 8/2018 đến nay, giá cổ phiếu đã nhảy vọt 252%, trong khi vốn hóa chỉ tăng khoảng 200%. Sự khác biệt này là kết quả của chương trình mua lại cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu của Apple đã giảm từ 19,4 tỷ vào cuối tháng 6/2018 xuống khoảng 16,4 tỷ hiện nay, CNBC cho biết.
Nhà đầu tư đang bắt đầu coi Apple là "chỗ trú ẩn an toàn" hay cổ phiếu chất lượng nhờ sự kết hợp giữa dòng tiền lớn và sẵn sàng trả lại tiền cho cổ đông.
Trong lưu ý tháng 12, ông Wamsi Mohan, nhà phân tích của Bank of America Securities viết: "Đợt gia tăng gần đây của giá cổ phiếu Apple một phần có thể là phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về nhu cầu tương đối ổn định, dòng tiền mạnh mẽ và sự hoàn vốn dành cho một cổ phiếu tăng giảm khá đồng thuận với thị trường chứng khoán Mỹ".
Dòng tiền khổng lồ của Apple là lý do nhà đầu tư tin công ty có thể tiếp tục chi lớn cho chương trình mua cổ phiếu quỹ cùng lúc với mở rộng nguồn nhân lực và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Apple báo cáo dòng tiền 104 tỷ USD trong 2021. Để so sánh, những gã khổng lồ công nghệ khác như Microsoft và Alphabet lần lượt có dòng tiền 77 và 65 tỷ USD trong năm tài khóa gần nhất.
Tháng 12/2017, với sự ra đời của một luật thuế cho phép Apple chuyển hầu hết tiền từ nước ngoài về Mỹ, Apple thông báo từ bỏ việc duy trì lượng tiền mặt khổng lồ và dự định hoàn trả lại cho nhà đầu tư theo thời gian.
Tốc độ mua cổ phiếu quỹ của công ty ngay lập tức gia tăng, từ 33 tỷ USD trong năm 2017 lên 73 tỷ USD vào 2018. Vào tháng 10/2021, CFO Luca Maestri cho biết Apple có 66 tỷ USD tiền mặt ròng, giảm mạnh so với con số 163 tỷ USD khi quyết định trên được công bố.
Vào tháng 11/2021, nhà phân tích Toni Sacconaghi dự đoán Apple có thể tiếp tục mua lại 3-4% cổ phiếu đang lưu hành cho đến năm 2026 mà không làm tăng thêm nợ ròng. Trong những năm gần đây, Apple đã đi vay để thực hiện chương trình hoàn vốn nhưng chi tiêu của công ty được bù đắp bởi lượng tiền lớn.
Apple thường cập nhật cho các nhà đầu tư về kế hoạch trả lại cổ đông của mình vào tháng 4 cùng với kết quả tài chính quý 2. Các nhà phân tích của Citi kỳ vọng Apple sẽ công bố khoản mua lại trị giá 90 tỷ USD khác và tăng 10% cổ tức.