Thay đổi quy định về nâng bậc lương đối với công chức; Giá nước sạch sinh hoạt cao nhất là 18.000 đồng/m3; 03 trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng… là những chính sách sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2021.
Thay đổi quy định về nâng bậc lương đối với công chức; Giá nước sạch sinh hoạt cao nhất là 18.000 đồng/m3; 03 trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng… là những chính sách sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2021.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2021.
Theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính, các đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được áp dụng theo Thông tư mới bao gồm cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Trong đó, bao gồm cả các trường hợp: Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề; Hoạt động đại lý bán đúng giá với đại lý xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp; Hợp tác kinh doanh với tổ chức; Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế GTGT, TNCN; Hoạt động thương mại điện tử...
Như vậy, so với quy định hiện hành, Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã bổ sung thêm hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế của khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; Người cho thuê tài sản; Người chuyển nhượng tên miền “.vn”; Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân; Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân; Doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập trực tiếp cho cá nhân ký hợp đồng đại lý bán đúng giá đối với xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt (Thông tư 44) và có hiệu lực từ ngày 5/8/2021.
Theo Thông tư này, khung giá nước sạch được quy định theo giá tối thiểu và giá tối đa; là giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng cho mức giá bán lẻ nước sạch bình quân do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Theo đó, với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, giá nước sạch tối thiểu là 3.500 đồng/m3; tối đa 18.000 đồng/m3; đối với đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5, giá nước sạch tối thiểu là 3.000 đồng/m3; tối đa là 15.000 đồng/m3; riêng đối với Khu vực nông thôn, giá nước sạch tối thiểu là 2.000 đồng/m3, tối đa là 11.000 đồng/m3.
Hằng năm, đơn vị cấp nước phải chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.
Trường hợp sau khi đơn vị cấp nước rà soát, giá thành 1m3 nước sạch năm tiếp theo biến động tăng ở mức đơn vị cấp nước cân đối được tài chính thì đơn vị cấp nước có công văn gửi Sở Tài chính để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giữ ổn định giá nước sạch.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 02/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo đó, tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng trong các trường hợp sau đây:
- Đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;
- Đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng;
- Đối tượng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 08/8/2021; thay thế Thông tư liên tịch 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 và 06/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/5/2016.
Ngày 29/6/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và người lao động.
Theo đó, Thông tư sửa đổi đối tượng áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Bổ sung thêm thời gian không tính xét bậc nâng lương thường xuyên gồm: Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự); Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ; Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên; Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.