Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng.
Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 02 nghìn tỷ đồng.
“Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chính sách miễn, giảm thuế
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hưng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên. Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như đăng trên Trang thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân.
Về giảm thuế GTGT, để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành, dự thảo Nghị định đã nêu rõ hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế GTGT theo các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
Bộ Tài chính cũng hướng dẫn giảm thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% (không phân biệt đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh). Do vậy, việc áp dụng giảm thuế GTGT sẽ không phân biệt phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu. Quy định này nhằm tạo điệu kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách.
Về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, chính sách này giống với quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và đã được hướng dẫn thực hiện cụ thể theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ. Do vậy, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể điều kiện cũng như hồ sơ thực hiện trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP để các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng áp dụng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan... là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.