Giới tỷ phú Nga chịu thiệt hại sớm nhất trong ngày đầu Nga đưa quân sang Ukraine, với gần 39 tỷ USD bị xóa sổ trong ngày khi chứng khoán Nga giảm 50% và đồng rúp xuống mức thấp kỷ lục.
Giới tỷ phú Nga chịu thiệt hại sớm nhất trong ngày đầu Nga đưa quân sang Ukraine, với gần 39 tỷ USD bị xóa sổ trong ngày khi chứng khoán Nga giảm 50% và đồng rúp xuống mức thấp kỷ lục.
Theo tính toán của Forbes, kể từ ngày 16/2, khoảng 116 tỷ phú của Nga đã mất gần 90 tỷ USD giá trị tài sản ròng. Trong đó, chỉ riêng ngày hôm qua (24/2), khoảng 39 tỷ USD đã bị xóa sổ khi chỉ số Moex của Nga đóng cửa giảm 33%, trong phiên có lúc rơi 50%.
Mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu nhằm vào giới tài phiệt, tỷ phú Nga đã khiến những người giàu nhất nước Nga thiệt hại nặng.
5 trong số 13 tỷ phú mà Tổng thống Putin triệu tập tại Điện Kremlin hôm qua là Alekperov, Mikhelson, Mordashov, Potanin và Kerimov đã chứng kiến khối tài sản sụt mạnh nhất. Ít nhất 11 tỷ phú của Nga đã mất từ 1 tỷ USD trở lên trong ngày hôm qua, theo Forbes.
Trong đó, tỷ phú Alekperov, cựu Bộ trưởng Dầu khí Liên Xô, người đã thành lập nhà sản xuất dầu ngoài quốc doanh lớn nhất Nga Lukoil, là người chịu thiệt hại nặng nhất. Khối tài sản ròng của Chủ tịch Lukoil đã "bốc hơi" 3,8 tỷ USD, tương đương mất 15,4% trong tổng tài sản trị giá 21,6 tỷ USD của ông khi cổ phiếu của hãng dầu khí Nga lao dốc. Cổ phiếu của Lukoil niêm yết tại London và Moscow đã giảm hơn 30% kể từ khi tình hình ở Ukraine nóng lên.
Lukoil nằm trong số các công ty năng lượng khác của Nga như Rosneft bị Mỹ áp lệnh trừng phạt tài chính và công nghệ sau sự kiện Crimea năm 2014 và lần này có thể sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu của Washington, Brussels và London.
Tỷ phú Gennady Timchenko, người đang bị Anh nhắm mục tiêu trừng phạt, cũng nằm trong số những người bị thiệt hại nhiều nhất khi chứng kiến khối tài sản bị xóa sổ 1,7 tỷ USD. Ông Timchenko sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp ở Nga, bao gồm công ty khí đốt Novatek và nhà sản xuất hóa dầu Sirbu.
Ông Timchenko sở hữu khối tài sản hơn 21 tỷ USD cũng là một trong những cá nhân mà Mỹ áp lệnh trừng phạt sau sự kiện năm 2014. Những lệnh trừng phạt đó đã khiến ông bán 43% cổ phần trong Gunvor, lúc đó là tập đoàn kinh doanh dầu lớn thứ 4 thế giới.
Hồi đầu tuần, chính phủ Anh đã áp lệnh trừng phạt đối với 3 cá nhân siêu giàu khác của Nga. Anh cũng tuyên bố đóng băng tài sản của các ngân hàng Nga và cấm công dân Nga giữ hơn 66.000 USD trong tài khoản ở các ngân hàng Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng được cho là thúc giục các nhà lãnh đạo phương Tây tiến hành loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Trong khi đó, các nhà lập pháp tại Anh kêu gọi tịch thu tài sản của tỷ phú người Nga Roman Abramovich, người đang sở hữu đội bóng Chelsea.
Ông Abramovich, đã bị xóa sổ 1 tỷ USD trong tuần này, được cho là không có thị thực tại Anh sau khi visa doanh nhân của ông hết hạn vào năm 2018. Tuy vậy, ông vẫn có thể đến thăm đội bóng của mình nhờ quốc tịch Israel, Bồ Đào Nha. Forbes cho rằng, bất kỳ động thái nào của chính phủ Anh đối với quyền sở hữu đội bóng của tỷ phú này đều có thể bị đe dọa bởi khoản vay 2 tỷ USD mà ông đã thực hiện cho Chelsea.