Giải quyết bài toán khó về khâu logistics khi tham gia thương mại điện tử chính là giải pháp hữu hiệu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đặc biệt là những công ty kinh doanh hàng hoá xuyên biên giới.
Giải quyết bài toán khó về khâu logistics khi tham gia thương mại điện tử chính là giải pháp hữu hiệu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đặc biệt là những công ty kinh doanh hàng hoá xuyên biên giới.
Theo chia sẻ tại tọa đàm về Tương lai của nền kinh tế số Việt Nam, kết thúc năm 2020, với tăng trưởng 18% đạt 11,8 tỉ USD, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) 2 con số. Trước ảnh hưởng của Covid-19, TMĐT đã trở thành “sân chơi” giúp các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động kinh doanh mà vẫn đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch.
Năm 2021, TMĐT vẫn là lĩnh vực tăng trưởng nhờ sự phối hợp của các chính sách từ Chính phủ kết hợp cùng những giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến từ các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh đại dịch, cũng như sự thúc đẩy mạnh mẽ của cuộc Cách mạng 4.0. Bên cạnh sự tăng trưởng của TMĐT nội địa, theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới trong năm nay đã tăng 25,7% so với năm ngoái.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đặc biệt đối với hàng Việt. Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu đưa TMĐT trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số để tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu.
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 có sự tham gia khảo sát của hơn 8.000 doanh nghiệp và 1.000 người tiêu dùng, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm 90%. Điều này cho thấy các DNVVN đang là lực lượng đông đảo, chịu tác động chủ yếu trước những thay đổi và ngược lại cũng là những người có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của TMĐT Việt Nam.
Sự bùng nổ của TMĐT mang đến nhiều cơ hội nếu DNVVN kịp thời thích nghi, nhưng song hành là nhiều khó khăn như bài toán khó ở khâu giao nhận hàng hoá. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021 (được xây dựng từ nguồn điều tra thống kê chính thức năm 2020 của Bộ Công Thương), khi được hỏi về lý do khiến người dùng gặp trở ngại khi mua hàng trực tuyến, 25% người tham gia lựa chọn lý do vận chuyển và giao nhận kém.
Về phía doanh nghiệp, chi phí đầu tư cho logistics đạt 0,82 điểm trên thang điểm từ 0-2 về những khó khăn, trở ngại khi vận hành website/ứng dụng TMĐT. Đặc biệt với những DNVVN kinh doanh hàng hoá xuyên biên giới thì chi phí logistics lại chiếm một khoản ngân sách không hề nhỏ, từ đó dẫn đến đội giá thành và giảm lợi thế cạnh tranh. Nói cách khác, các giải pháp ở khâu logistics sẽ giúp hỗ trợ hiệu quả cho DNVVN phát triển TMĐT.
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, ngành logistics nói chung và thương hiệu vận chuyển quốc tế J&T Express nói riêng đã thể hiện vai trò trọng yếu của mình trong nền kinh tế: hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa cho thị trường nội địa.
Sự chuyển hướng kịp thời của Chính phủ từ chủ trương “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trước làn sóng Covid-19 thứ 4 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, TMĐT tiếp tục phát triển và logistics là mảng không thể thiếu trong quá trình phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ này của doanh nghiệp.