Theo thống kê, tính chung cả tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 1,1%, sau khi giảm 1,7% trong tuần kết thúc vào ngày 7/1. Trước đó, giá vàng đã ghi nhận bốn tuần tăng giá liên tiếp.
Theo thống kê, tính chung cả tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 1,1%, sau khi giảm 1,7% trong tuần kết thúc vào ngày 7/1. Trước đó, giá vàng đã ghi nhận bốn tuần tăng giá liên tiếp.
Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã liên tục biến động theo xu hướng đi lên do đồng USD suy yếu. Cùng với đó, kim loại quý còn được hỗ trợ từ số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm 1,9% trong tháng 12/2021, và một chỉ số về niềm tin tiêu dùng của nước này cũng giảm từ 70,6 điểm tháng 12/2021 xuống 68,8 điểm trong tháng Một. Lạm phát tại Mỹ cũng đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Theo đó, khởi động phiên làm việc đầu tuần ngày (10/1), giá vàng thế giới đi xuống dưới sức ép từ đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hai năm, giữa lúc giới đầu tư đang tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng trong phiên đầu năm mới diễn biến không mấy tích cực sau khi biên bản cuộc họp tháng 12/2021 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố.
Ở hai phiên tiếp theo trong tuần, giá vàng đã đảo chiều tăng mạnh và vượt qua mốc 1.800 USD/ounce dưới tác động từ tình hình lạm phát cao, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng với khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng Ba. Theo đó, những đồn đoán Mỹ có thể 4 lần tăng lãi suất trong năm 2022, từ đó nhiều người lo ngại lạm phát tại Mỹ tiếp tục đi lên, buộc Mỹ sớm tăng lãi suất cơ bản. Có lẽ các thông tin này đã thúc đẩy không ít nhà đầu tư tăng nhu cầu trú ẩn vào vàng để phòng ngừa rủi ro có thể đến từ lạm phát.
Tuy nhiên, vào hai ngày cuối tuần, giá vàng lại giảm giá nhẹ do đồng đô la Mỹ mạnh lên. Theo các chuyên gia phân tích thị trường, những đồn đoán về một đợt tăng lãi suất của Fed đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, từ đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Như vậy, tính chung cả tuần qua, giá vàng thế giới tăng 1,1%, sau khi giảm 1,7% trong tuần kết thúc vào cuối tuần trước (ngày 7/1). Trước đó, giá vàng đã ghi nhận bốn tuần tăng giá liên tiếp.
Tại thị trường trong nước, theo xu hướng biến động của thế giới, giá vàng SJC cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh và hiện đang giữ ở mức cao gần 62 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, sáng nay (16/1), giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 61 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra là 61,72 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng SJC của Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 60,95 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra là 61,6 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước đang biến động thất thường. Vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Ông Bob Haberkorn - nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures chia sẻ, chứng khoán có khả năng giúp vàng tăng cao hơn trong tuần tới. ‘Vàng có cơ hội bứt phá cao hơn vào tuần tới. Chứng khoán sẽ mạnh hơn một chút và điều đó sẽ đẩy vàng tăng trở lại qua mốc 1.830 USD/ounce’, ông Haberkorn nhận định.
Trong khi đó, đưa ra nhận định về giá vàng tuần tới, đa số chuyên gia và nhà đầu tư đều có niềm tin vàng sẽ tiếp tục đi lên. Cuộc khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới đã thu hút được 16 nhà phân tích trên Phố Wall tham gia. Theo đó, kết quả có 9 người, tương đương 58% dự báo vàng sẽ tăng; Còn 4 người, chiếm 25% cho rằng kim loại quý đi ngang và 3 ý kiến cuối cùng nghĩ ngược lại là giá vàng sẽ sụt giảm. Còn cuộc khảo sát trực tuyến Main Street có 928 nhà đầu tư tham gia cho thấy có 529 người, tương ứng 57% tin rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Trong khi đó, có 225 nhà đầu tư khác, chiếm 24% đưa ra ý kiến ngược lại và 174 phiếu, chiếm 19% bảo vệ xu hướng đi ngang của kim loại quý.