Lạm phát khu vực đồng Euro sẽ giảm từ mức cao kỷ lục trong năm 2022 và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẵn sàng thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để hạ mức mục tiêu xuống 2%, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết hôm 14/1.
Lạm phát khu vực đồng Euro sẽ giảm từ mức cao kỷ lục trong năm 2022 và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẵn sàng thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để hạ mức mục tiêu xuống 2%, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết hôm 14/1.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde ngày 14/1 bày tỏ hy vọng rằng các yếu tố khiến tỷ lệ lạm phát tại Eurozone tăng cao trong những tháng gần đây sẽ giảm bớt trong năm 2022.
Lạm phát tại Eurozone đã lên mức cao kỷ lục vào tháng 12/2021, ở mức 5%, do giá năng lượng tăng cao. Trong một phát biểu tại Thượng viện Pháp, Lagarde nêu rõ: "Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% trong trung hạn".
Chủ tịch ECB đồng thời viện dẫn các nhận định được đưa ra sau cuộc họp gần nhất của Hội đồng quản trị ngân hàng trong tháng 12/2021.
Tại cuộc họp này, các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí "từng bước" giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của ngân hàng, coi đây là một trong những biện pháp giúp giảm lạm phát tại Eurozone.
Chương trình mua tài sản khổng lồ vốn được xem là công cụ chủ chốt để chống khủng hoảng của ngân hàng có trụ sở tại Frankfurt (Đức) này, với việc giữ cho chi phí đi vay ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Lagarde, "sự mở cửa trở lại nhanh chóng của nền kinh tế đã dẫn đến việc giá của nhiên liệu, khí đốt và điện năng tăng theo chiều thẳng đứng".
Bà nêu rõ: "Chúng tôi hiểu rằng giá cả tăng cao là nỗi lo ngại của nhiều người và chúng tôi xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc".
Theo quan điểm của Ngân hàng Trung ương châu Âu, lạm phát cao bất thường trong thời điểm những tháng cuối năm ngoái là do sự phục hồi nhanh chóng của hoạt động kinh tế trong khu vực đồng Euro, khiến cho giá nhiên liệu tăng mạnh.
Giá năng lượng đã là nguyên nhân của khoảng một nửa tỷ lệ lạm phát hiện tại. Ngoài ra, lạm phát còn vì trong một số lĩnh vực cung không đáp ứng nổi cầu, do bất ổn kéo dài của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu chỉ điều chỉnh đôi chút chính sách, hạn chế dần lượng tiền bơm ra thị trường, nhưng không tăng lãi suất cơ bản như cách mà Anh và Mỹ đã thực hiện.
Trong dự báo đưa ra vào tháng 12/2021, ECB cho rằng lạm phát sẽ tăng lên mức hơn 3% trong năm 2022, trước khi giảm trở lại dưới mức 2% theo như mục tiêu của ngân hàng này trong năm 2023.