Sau khi OPEC+ nhất trí tăng sản lượng trong thời gian còn lại của năm 2021 và sang năm 2022, giá dầu thế giới tụt dốc. Thoả thuận này đã giải quyết xong mâu thuẫn nội bộ khiến liên minh lung lay thời gian gần đây.
Sau khi OPEC+ nhất trí tăng sản lượng trong thời gian còn lại của năm 2021 và sang năm 2022, giá dầu thế giới tụt dốc. Thoả thuận này đã giải quyết xong mâu thuẫn nội bộ khiến liên minh lung lay thời gian gần đây.
Lúc gần 7h sáng ngày 19/7 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,48 USD/thùng, tương đương giảm 0,65%, so với đóng cửa cuối tuần trước, còn 73,11 USD/thùng.
Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,41 USD/thùng, tương đương giảm 0,57%, còn 71,4 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm khoảng 3% và giá dầu WTI giảm gần 4%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Một nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong tuần trước là sự lây lan mạnh của biến chủng Delta ở nhiều quốc gia đặt ra nguy cơ đối với phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Theo thỏa thuận được công bố vào Chủ nhật, OPEC Plus, một nhóm 23 quốc gia do Ả Rập Xê-út dẫn đầu và bao gồm cả Nga, sẽ tăng sản lượng mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 8. Điều đó sẽ bổ sung khoảng 2% vào nguồn cung của thế giới vào cuối năm nay. Tập đoàn này chiếm khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới.
Thoả thuận cũng mang lại cho Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait và Nga mức sản lượng cơ sở (baseline) cao hơn kể từ tháng 5/2022. Sản lượng cơ sở là căn cứ để xác định hạn ngạch sản lượng của mỗi nước thành viên trong OPEC+ khi khối điều chỉnh sản lượng.
OPEC+ cho biết khối này sẽ tiếp tục "đánh giá về sự phát triển của thị trường" trong cuộc họp vào tháng 12 tới. Thỏa thuận vừa đạt được cũng kéo dài thời gian giới hạn sản lượng từ tháng 4/2022 đến cuối năm 2022.
Trước đó, mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và UAE về sản lượng cơ sở đã khiến kế hoạch nâng sản lượng của OPEC+ rơi vào bế tắc. So với trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, sản lượng khai thác dầu của OPEC+ hiện đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, bất đồng này cũng được xem là một thách thức với sự đoàn kết của liên minh.
Sau khi tăng 45% trong nửa đầu năm 2021, giá dầu thế giới đã biến động mạnh trong tháng 7 này. Tranh cãi trong OPEC+ khiến các nhà đầu tư rơi vào thế “không biết đâu mà lần” về kế hoạch sản lượng của khối, trong khi biến chủng Delta phủ bóng lên thị trường. Giữa lúc đó, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu tiếp tục giảm xuống và một số tổ chức dự báo gồm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nguồn cung dầu cần tăng lên để bù đắp sự thiếu hụt.
Thoả thuận nâng sản lượng mà OPEC+ vừa đạt được có thời hạn hơn 1 năm và quy định cụ thể về lộ trình nâng sản lượng như đã đề cập ở trên, nhưng đây vẫn là một thoả thuận linh hoạt. Các thành viên của liên minh vẫn sẽ tiến hành thảo luận hàng tháng, bao gồm một cuộc rà soát thị trường vào tháng 12.
Kế hoạch sản lượng sẽ được điều chỉnh nếu cần, theo Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman. Cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào tháng 9.
OPEC dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, đạt mốc hơn 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm, lần đầu tiên vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn dắt đà phục hồi nhu cầu này.