Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng lại giảm mạnh trong tuần này do thị trường kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ tăng lên trong khi biến chủng Delta của Covid-19 có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng lại giảm mạnh trong tuần này do thị trường kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ tăng lên trong khi biến chủng Delta của Covid-19 có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,12 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, đạt 73,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,16 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, đạt 71,81 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 3%, đánh dấu chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Giá dầu WTI trượt khoảng 4% trong tuần, hoàn tất tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.
Phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 6 bất ngờ tăng. Mức tăng 0,6% cho thấy nhu cầu hàng hoá vẫn đang mạnh cho dù chi tiêu của người dân Mỹ bắt đầu dịch chuyển trở lại các dịch vụ sau một thời gian dài ngành dịch vụ ảm đạm vì Covid-19. Thống kê này củng cố kỳ vọng của thị trường về sự tăng tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2.
Do giá dầu đã tăng liên tục trong mấy tháng qua, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ chậm rãi. Tuần này, số giàn khoan hoạt động tăng thêm 2 giàn, lên 380 giàn, con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes được hãng tin Reuters trích dẫn.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng thêm 300.000 thùng/ngày trong 2 tuần của kỳ báo cáo mới nhất, đạt 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 9/7. Đây là mức sản lượng dầu cao nhất của Mỹ kể từ tháng 5/2020, theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng nước này.
Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuần này đã thoả hiệp, mở đường cho OPEC+ tiến tới hoàn tất một thoả thuận tăng sản lượng khai thác dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với đồng minh ngoài khối gồm Nga.
“OPEC+ càng trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua mức sản lượng mới, thì càng chứng tỏ các thành viên trong liên minh muốn được nâng mức hạn ngạch của riêng mình”, chuyên gia Bob Yawger thuộc Mizuho nhận định. Theo ông Yawger, Iraq cũng đang muốn được nâng mức sản lượng cơ sở (baseline) như mong muốn của UAE.
Hôm thứ Năm, OPEC dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 sẽ tăng trở lại mức trước đại dịch, khoảng 100 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ tăng trưởng nhu cầu dầu của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở nhiều quốc gia do biến chủng Delta có thể dẫn tới việc tái áp phong toả, đặt ra rủi ro đối với những dự báo lạc quan gần đây về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Tại Mỹ, hạt Los Angeles sẽ tái áp quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ cuối tuần này. Tại Anh, nhà chức trách vào ngày thứ Sáu công bố số ca nhiễm mới Covid-19 cao nhất trong hơn 6 tháng.