Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố ngày 31/5 là ngày giao dịch chính thức của 156,2 triệu cổ phiếu VLC được phát hành thêm để hoán đổi theo hợp đồng sáp nhập Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, UPCoM: VLC) với CTCP GTNFoods (HOSE: GTN).
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố ngày 31/5 là ngày giao dịch chính thức của 156,2 triệu cổ phiếu VLC được phát hành thêm để hoán đổi theo hợp đồng sáp nhập Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, UPCoM: VLC) với CTCP GTNFoods (HOSE: GTN).
Cùng ngày, 47 triệu cổ phiếu VLC do GTN nắm giữ cũng sẽ bị hủy chính thức. Theo đó, 109,2 triệu cổ phiếu sẽ được niêm yết bổ sung và giao dịch trên sàn chứng khoán từ ngày 31/5.
Sau khi niêm yết bổ sung, số lượng cổ phiếu VLC đang lưu hành sẽ nâng lên 172,3 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ là 1.723,46 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 9/3, VLC phát hành 156,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN. Tỷ lệ hoán đổi 1,6:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1,6 cổ phiếu GTN sẽ được hoán đổi lấy 1 cổ phiếu VLC. Sau khi sáp nhập, các cổ đông của GTN sẽ trở thành cổ đông VLC; GTN sẽ chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển giao cho VLC.
Tuy nhiên, GTNFoods là công ty mẹ nắm 47 triệu cổ phiếu, tương đương 74,5% vốn Vilico. Do thực hiện sáp nhập, toàn bộ 47 triệu cổ phiếu bị hủy và giảm vốn điều lệ Vilico. Như vậy, vốn điều lệ Vilico sau sáp nhập tăng từ 631 tỷ đồng lên 1.723 tỷ đồng, trong đó Vinamilk sở hữu 68% và các cổ đông khác nắm 32%.
Sau sáp nhập, VLC sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. Doanh nghiệp có chủ trương đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.
Xem thêm: VIX niêm yết bổ sung gần 275 triệu cổ phiếu
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam được thành lập vào ngày 21/6/1996 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp có quan hệ gắn bó kinh tế, công nghiệp, thương mại, thông tin, khoa học kỹ thuật, nghiên cứu,… hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên toàn quốc, trực thuộc thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Năm 2013 Tổng công ty được cổ phần hóa và đến tháng 7/2013 Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam chính thức hoạt động theo loại hình CTCP sau khi thực hiện thành công phương án cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Các ngành nghề kinh doanh chính của công ty bao gồm: Chăn nuôi giống, chăn nuôi gia súc, gia cầm: lợn, bò, gà; chế biến sản phẩm chăn nuôi; Sản xuất, cung ứng vật tư thiết bị ngành chăn nuôi; Kinh doanh vật tư thú y chăn nuôi, thuốc thú y; Sản xuất, kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Xét về tình hình kinh doanh, trong quý I/2022, VLC ghi nhận doanh thu thuần 676,1 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2021; lãi sau thuế tăng 11,3% so với quý I/2021 lên 59,8 tỷ đồng. Theo lý giải của Ban Tổng giám đốc, lợi nhuận quý này tăng chủ yếu do doanh thu bán hàng tăng khoảng 8,7% và doanh thu tài chính tăng nhờ số tiền gửi lớn khi Mộc Châu Milk tăng vốn từ đầu tháng 2/2021.
Bên cạnh đó, VLC đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 3.247,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 242 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,9% và giảm 25,2% so với thực hiện trong năm 2021.
Đặc biệt, VLC cũng có kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu VLC từ sàn UPCoM qua Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), thời gian dự kiến trong năm 2022 hoặc năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 26/5, cổ phiếu VLC đang giao dịch ở mức 29.600 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 18% so với mức đỉnh đầu tháng 11 năm ngoái.
Xem thêm: Xử phạt Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Công ty cổ phần vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán