Tỷ phú Elon Musk giận dữ vì tiến độ chậm chạp ở SpaceX, công ty khai phá vũ trụ do ông điều hành trong việc sản xuất động cơ Raptor dùng cho tên lửa Starship.
Tỷ phú Elon Musk giận dữ vì tiến độ chậm chạp ở SpaceX, công ty khai phá vũ trụ do ông điều hành trong việc sản xuất động cơ Raptor dùng cho tên lửa Starship.
Hãng tin CNBC đã thu thập được một bức email mà ông Musk gửi toàn thể nhân viên SpaceX vào tuần trước. Trong thư, Musk cảnh báo nhân viên về khả năng công ty “sập tiệm” nếu công việc còn ì ạch như vậy.
“Cuộc khủng hoảng sản xuất Raptor đang trở nên tồi tệ hơn nhiều so với vài tuần trước đây”, Musk viết. “Chúng ta đối mặt với nguy cơ phá sản thực sự nếu không có được ít nhất một chuyến phóng Starship mỗi 1-2 tuần trong năm tới”.
Starship là loại tên lửa thế hệ mới với kích thước “khủng” mà SpaceX đang phát triển để đưa hàng hoá và con người lên Mặt Trăng và Sao Hoả. Công ty đang thử nghiệm các mô hình của tên lửa này tại một cơ sở ở miền Nam bang Texas và đã phóng thử nhiều chuyến bay ngắn. Tuy nhiên, để được phóng lên quỹ đạo, mỗi tên lửa SpaceX cần tới 39 động cơ Raptor, dẫn tới sự cần thiết phải đẩy mạnh tốc độ sản xuất động cơ.
Email mà Musk gửi cho nhân viên SpaceX làm sáng tỏ thêm bối cảnh vụ từ chức của Phó chủ tịch phụ trách mảng động cơ trong Space X, ông Will Heltsley, người rời đi hồi đầu tháng 11. Trước khi mất chức, ông Heltsley đã bị yêu cầu thôi không tham gia vào quá trình phát triển động cơ Raptor. Trong bức email vừa rồi, Musk nói rằng lãnh đạo công ty đã xem xét kỹ các vấn đề của chương trình phát triển động cơ và phát hiện thấy tình hình “nghiêm trọng hơn nhiều” so với những gì ông nghĩ trước đây.
Musk đã định có một kỳ nghỉ lễ Tạ ơn kéo dài, nhưng khi phát hiện ra tình hình về Raptor, ông đã từ bỏ kế hoạch đi nghỉ và dành toàn bộ thời gian tại dây chuyền sản xuất động cơ.
“Chúng ta cần tất cả mọi người cùng ra tay cứu công việc này khỏi thảm hoạ”, email viết.
Từ lâu, Musk đã miêu tả việc sản xuất động cơ Raptor là phần khó nhất trong việc chế tạo tên lửa khổng lồ của SpaceX. Công ty hiện đang tích cực xây dựng cơ sở sản xuất và thử nghiệm Starship ở Boca Chica, Texas, với nhiều mô hình tên lửa cùng được thử một lúc.
Bước quan trọng tiếp theo trong việc phát triển Starship là phóng tên lửa này lên quỹ đạo.
Hôm 17/11, Musk nói SpaceX hy vọng sẽ phóng chuyến bay Starship lên quỹ đạo đầu tiên vào khoảng tháng 1 và tháng 2 năm sau, tuỳ theo sự phê chuẩn của cơ quan chức năng Mỹ và mức độ sẵn sàng về kỹ thuật.
SpaceX muốn Starship có thể được tái sử dụng, với cả phần tên lửa và phần tầng đẩy (booster) có thể quay trở về Trái Đất sau mỗi vụ phóng và được phục hồi cho các chuyến phóng tiếp theo. Tên lửa Falcon 9 của SpaceX được tái sử dụng một phần. Bộ phận tầng đẩy của tên lửa này có thể được dùng lại, nhưng phần phía trên thì không.
Trong tháng 11, Musk nói rằng ông muốn đảm bảo Starship sẽ lên được quỹ đạo ngay trong lần phóng thử lên quỹ đạo đầu tiên, nhưng nhấn mạnh rằng ông “tự tin” tên lửa này sẽ lên được vũ trụ trong năm 2022. Ông cũng nói quá trình phát triển Startship “đến hiện tại sử dụng ít nhất 90% vốn nội bộ”, và SpaceX chưa tính đến bất kỳ sự hợp tác quốc tế hay huy động vốn bên ngoài nào.
Starship rất quan trọng đối với thành công tài chính của Starlink
Mấy năm trở lại đây, SpaceX đã huy động nhiều tỷ USD tiền vốn, bao gồm cả vốn cho dự án Starship và dự án phủ sóng Internet từ vệ tinh Starlink. Trong đợt gọi vốn gần nhất, SpaceX được định giá ở mức khoảng 100 tỷ USD.
Dù SpaceX đã phóng khoảng 1.700 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, Musk cho biết phiên bản đầu tiên của vệ tinh này “yếu kém về mặt tài chính”. Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Starlink vẫn tăng đều, hiện đạt khoảng 140.000 người dùng với phí dịch vụ 99 USD/tháng.
Năm nay, SpaceX đã công bố kế hoạch nâng cấp lên phiên bản thứ hai của Starlink. Musk nói “phiên bản 2 sẽ mạnh hơn” nhưng chỉ có thể phóng hiệu quả bằng tên lửa Starship.
Đến hiện tại, SpaceX phóng vệ tinh Starlink bằng tên lửa Falcon 9, nhưng Elon Musk nói rằng loại tên lửa này không có đủ năng lực cần thiết để triển khai hiệu quả Starlink thế hệ thứ hai. Điều này có nghĩa là thành công của chương trình động cơ Raptor giữ vai trò sống còn đối với ổn định tài chính dài hạn của dịch vụ Starlink – bộ phận mà Musk đã tính sẽ tách thành một công ty riêng và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Hiện nay, SpaceX đang đẩy mạnh sản xuất ăng-ten Starlink để đáp ứng cho hàng triệu đầu thu mỗi năm. Tuy nhiên, số ăng-ten này sẽ trở nên vô dụng nếu việc sản xuất tên lửa Raptor không thành công.