Nguồn thạo tin cho hay, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu Philip Lane cho rằng căng thẳng tại Ukraine có thể làm giảm sản lượng kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ 0,3-0,4% trong năm nay.
Nguồn thạo tin cho hay, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu Philip Lane cho rằng căng thẳng tại Ukraine có thể làm giảm sản lượng kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ 0,3-0,4% trong năm nay.
Đây là "kịch bản trung bình" được Lane đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Thống đốc ở Paris vào hôm 24/2.
Cuộc họp diễn ra chỉ vài giờ sau khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng mạnh, khiến ECB phải tìm cách xác định cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng ra sao đến kế hoạch rút bớt các biện pháp kích thích tiền tệ.
Lane cũng đưa ra một “kịch bản nghiêm trọng” khi GDP của Eurozone giảm gần 1%, bên cạnh một “kịch bản nhẹ” khi các sự kiện ở Ukraine không có tác động đến khối này, một điều được coi là khó xảy ra trong thời điểm hiện tại.
Hai nguồn tin mô tả các ước tính này đều "rất sơ bộ" và một nguồn tin thứ ba cho biết chúng chủ yếu dựa trên giá cả trên thị trường hàng hóa.
Tuy nhiên, tất cả các nguồn tin đều cho biết Lane sẽ đưa ra những dự báo cụ thể hơn tại cuộc họp chính sách vào ngày 10/3 của ECB.
Trong cuộc họp này, ECB dự kiến sẽ quyết định tương lai của Chương trình Mua sắm Tài sản (APP) đã kéo dài khá lâu của mình. Trước đó, ECB đã cho biết họ sẽ ngừng mua trái phiếu mới theo chương trình hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch kể từ sau tháng 3/2022.
Chuyên gia Lane không đưa ra dự báo lạm phát mới cho khu vực Eurozone, nhưng ông đã nói tại cuộc họp hôm thứ Năm rằng sẽ có sự gia tăng đáng kể trong dự báo năm 2022.
Đồng thời, ông ám chỉ rằng các ước tính vào cuối thời kỳ dự báo của ECB (vào năm 2024) vẫn có thể thấp hơn mục tiêu 2% do ngân hàng này đề ra.
Dự báo lạm phát và tăng trưởng sẽ rất quan trọng để xác định xem ECB có thể thu hẹp APP, mở đường cho đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras, một người có chính sách nổi tiếng với việc ủng hộ lãi suất thấp hơn, nói với Reuters rằng ECB nên tiếp tục mua trái phiếu ít nhất cho đến cuối năm nay để giảm bớt ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngay cả đồng nghiệp người Áo Robert Holzmann của ông cũng cho biết các sự kiện ở Ukraine có thể trì hoãn việc ECB thoát khỏi các biện pháp kích thích.
Lạm phát ở khu vực Eurozone đã ở mức đặc biệt cao trong giai đoạn gần đây và chạm mức kỷ lục 5,1% trong tháng 1/2022. Nhiều nhà kinh tế nhận định giá năng lượng và lương thực tăng do cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ thúc đẩy con số trên tăng hơn nữa.