Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước có lượng dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở rất lớn và an toàn dữ liệu là phải đặt ra hết sức nghiêm túc.
Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước có lượng dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở rất lớn và an toàn dữ liệu là phải đặt ra hết sức nghiêm túc.
Đó là chủ đề và cũng là câu hỏi được đặt ra cần lời giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia tham dự tại buổi toạ đàm trực tuyến “Dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 27/8 vừa qua.
Theo TS Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, là một nước có lượng người sử dụng Internet rất lớn cùng các giao dịch không chỉ của nhà nước, doanh nghiệp mà ngay cả các nhu cầu cá nhân cũng rất lớn, Việt Nam đang đứng trước những thách thức về an toàn thông tin.
Vì thế, việc phải có những khung pháp lý cho vấn đề này là rất cần thiết bên cạnh các đạo luật đã có về an toàn thông tin và an ninh mạng. Nhất là trong nội dung dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện giờ.
Chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS cho biết, Việt Nam hiện đã nằm trong top 10 nước có lượng dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở rất lớn và an toàn dữ liệu là phải đặt ra hết sức nghiêm túc.
Cũng chính bởi vậy, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, yếu tố pháp lý cho vấn đề này đương nhiên phải đặt ra một cách toàn diện.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý dữ liệu xuyên biên giới, bà Annabel Lee - Trưởng bộ phận chính sách công nghệ số khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Amazon Web Service cho biết, dữ liệu cá nhân cần có miêu tả cụ thể và việc quản lý nó cần phải cân bằng với các dữ liệu khác.
Tuy nhiên, vấn đề là không nên tạo gánh nặng quá lớn với doanh nghiệp. Theo bà Annabel Lee, thông tin cũng phải là nguồn lực then chốt để thúc đẩy kinh tế số. Và thực tế, đây cũng là việc mà các doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư vì không ai muốn đánh mất niềm tin với khách hàng.
Vai trò của dữ liệu xuyên biên giới là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế số. Ông Jeff Paine - Giám đốc Quản lý Liên minh Internet châu Á đánh giá, với thương mại điện tử ngày nay, việc các cá nhân thực hiện mua sắm qua mạng là một việc bình thường và không chỉ diễn ra trong một quốc gia.
“Vì vậy, việc bảo vệ an toàn thông tin cá nhân là thực tế phải đặt ra và các chủ thể bán hàng trên mạng phải có trách nhiệm cho vấn đề này” - Ông Jeff Paine nói.
Trước rất nhiều vấn đề được đặt ra từ Dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, bà Clarisse Giros - chuyên viên cao cấp Viện Pháp luật Kinh doanh Châu Á cho biết, việc chính thức phải có luật bảo vệ dữ liệu đã và đang đặt ra cho tất cả các quốc gia hiện giờ. Trung Quốc đã có luật này cách đây 2 năm và Ấn Độ cũng đã xây dựng xong dự luật về vấn đề này.
Với những ý kiến đóng góp hữu ích tại buổi tọa đàm trực tuyến này, ông Nguyễn Quang Đồng cho biết, IPS và Hội Truyền thông số Việt Nam sẽ tổng hợp các báo báo và ý kiến cần được giải đáp để chính thức gửi tới Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin Truyền thông.
“Những kinh nghiệm quốc tế được các chuyên gia nước ngoài chia sẻ tại toạ đàm sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định pháp luật và chính sách tại Việt Nam cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân” - ông Nguyễn Quang Đồng nói.