Ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị định này có hiệu lực từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 19/10/2021).
Đưa ra sự cần thiết và cơ sở pháp lý ban hành Nghị định, Bộ Tài chính cho biết, kể từ thời gian đầu xảy ra dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, trong năm 2020, đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng giá trị khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số miễn, giảm là hơn 31,5 nghìn tỷ đồng). Trong thời gian đã qua của năm 2021, tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng như miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với số tiền ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng.
“Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 06 tháng đầu năm 2021”, Bộ Tài chính cho hay.
Việc xây dựng và ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đảm bảo mục tiêu, yêu cầu như: Bám sát các nội dung quy định của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nghị định số 92/2021/NĐ-CP được bố cục gồm 05 Điều, trong đó: Điều 1. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 2. Miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Điều 3. Giảm thuế giá trị gia tăng; Điều 4. Miễn tiền chậm nộp; Điều 5. Điều khoản thi hành.
Nghị định không phát sinh thêm thủ tục hành chính mới
Đánh giá về tác động của Nghị định số 92/2021/NĐ-CP tới thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, vì vậy phạm vi tác động từ các giải pháp hỗ trợ quy định tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP dự kiến sẽ có tác động giảm thu NSNN của năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế, tiền chậm nộp được hỗ trợ này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Cũng theo Bộ Tài chính, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Bộ Tài chính cho biết, các thủ tục hành chính theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã được quy định và được thực hiện theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, đối với trường hợp người nộp thuế xác định lại kết quả sản xuất kinh doanh của kỳ tính thuế năm 2020 mà bị lỗ (kết quả sản xuất kinh doanh mà người nộp thuế xác định lại khác với dữ liệu của cơ quan thuế) thì người nộp thuế lập Văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp gửi đến cơ quan thuế. Hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp chỉ bao gồm duy nhất Văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp và được gửi đến cơ quan thuế bằng một trong ba hình thức: điện tử, trực tiếp hoặc bưu chính.
Như vậy, theo các nội dung tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP về cơ bản không phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.