Các cuộc biểu tình vì COVID đã bùng phát khắp Trung Quốc và lan sang một số thành phố sau vụ hỏa hoạn gây chết người ở Urumqi thuộc vùng viễn tây của đất nước, với hàng trăm người biểu tình và cảnh sát đụng độ ở Thượng Hải vào tối ngày hôm qua (27/11)
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần trong giao dịch ở châu Á và lần cuối thấp hơn khoảng 0,6% ở mức 7,24 mỗi đô la.
Đồng đô la Úc, thường được sử dụng làm đồng thay thế linh hoạt cho đồng Nhân dân tệ, đã giảm hơn 1% xuống còn 0,6687 đô la. Đồng đô la New Zealand giảm 0,65% xuống còn 0,62065 USD.
Chứng khoán và giá dầu cũng giảm mạnh trong ngày hôm nay do tác động từ các cuộc biểu tình hiếm hoi ở các thành phố lớn của Trung Quốc.
Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI bên ngoài Nhật Bản giảm 2,2%, bị kéo xuống thấp hơn do tình trạng bán tháo mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 4,16%, Chỉ số CSI300 của Trung Quốc giảm 2,22%.
"Thị trường không thích những bất ổn khó đoán và các cuộc biểu tình ở Trung Quốc rõ ràng thuộc trường hợp này. Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ trở nên ngại rủi ro hơn", chuyên gia kinh tế của Natixis tại Hong Kong Gary Ng đã cho biết như vậy.
"Các thị trường liên kết với Trung Quốc trên khắp châu Á, chẳng hạn như Australia, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc, có nhiều khả năng sẽ chịu tác động lớn hơn."
Chỉ số chứng khoán chuẩn của Australia mất 0,56% trong khi chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm 0,76%.
Chỉ số KOSPI 200 của Hàn Quốc giảm 1,35% trong đầu phiên giao dịch và Chỉ số S&P/NZX50 của New Zealand giảm 0,42%.
Hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq đều giảm, cho thấy Phố Wall có thể sụt giảm vào cuối ngày.
Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến hàng hóa trong thương mại châu Á.
Dầu thô Mỹ giảm 2,81% xuống 74,14 USD/thùng và dầu thô Brent giảm 2,57% xuống 81,48 USD/thùng.
Ông Chris Weston - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone, cho biết: “Sự phản đối từ người dân mà chúng tôi đã chứng kiến, rõ ràng là căng thẳng gia tăng và các cuộc biểu tình... đó là điều mà chúng tôi có thể chưa bao giờ nghĩ sẽ lên tới mức độ đó”.
“Chúng tôi thực sự đang xem xét phản ứng của chính phủ đối với những gì đang xảy ra… phản ứng của chính phủ rất khó đoán, và tất nhiên điều đó có nghĩa là mọi người phải tìm cách giảm thiểu rủi ro.”
Số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, với gần 40.000 ca nhiễm mới vào ngày 26/11.
Các hạn chế nghiêm ngặt về COVID đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc và các nhà chức trách nước này đã phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để vực dậy tăng trưởng. Hồi cuối tuần vừa rồi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - ngân hàng trung ương của nước này, cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng xuống 25 điểm cơ bản (bps), có hiệu lực từ ngày 5 tháng 12.