Cùng với việc chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian mở cho các khu đô thị hiện hữu thì TP. HCM sẽ phát triển các khu vực đô thị mới theo hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung toàn thành phố.
Cùng với việc chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian mở cho các khu đô thị hiện hữu thì TP. HCM sẽ phát triển các khu vực đô thị mới theo hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung toàn thành phố.
Theo đó, quy mô dân số TP. HCM đến năm 2040 với khoảng 13-14 triệu người. Trong đó, TP. Thủ Đức khoảng 1,9 triệu người, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người. Quy mô đất đai dự kiến phát triển đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000 ha. Tầm nhìn đến năm 2060, quy mô dân số TP. HCM sẽ là 16 triệu người, trong đó, TP. Thủ Đức là 3 triệu người.
Trước mắt, TP. HCM sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP. HCM và các địa phương lân cận, đồng thời phát triển không gian đô thị theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Định hướng giao thông công cộng (TOD), phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp nhiều chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn.
Quá trình quy hoạch dân cư cần cân bằng giữa phát triển mở rộng đô thị với tái phát triển các khu đô thị hiện hữu. Hình thành các hạt nhân của các trung tâm: Trung tâm tri thức, Trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và các hạt nhân những các khu đô thị mới, củng cố cấu trúc đô thị đa cực. Giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan TP. HCM.
Mỗi người dân được bảo đảm hiệu quả về nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng, phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu vực hiện hữu, môi trường không khí bảo đảm sức khỏe, người dân được tiếp cận thực phẩm sạch giá rẻ với nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao...
Ranh giới nghiên cứu bao gồm toàn bộ địa phận hành chính TP. HCM với diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 bao gồm khu đô thị biển Cần Giờ. Nắm bắt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch TP. HCM phù hợp với định hướng phát triển của toàn vùng, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững, vừa bảo đảm tầm nhìn, chiến lược dài hạn.
Đồng thời, quy hoạch TP. HCM để phát triển định hướng, tạo điều kiện khả thi để thực hiện các giải pháp cho các vấn đề đô thị như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường... một cách quyết liệt, đồng bộ.
Định hướng phát triển cho các khu vực đô thị hiện hữu, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian mở. Cùng với đó là đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho từng khu vực như dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…
Đặc biệt, các khu vực cốt lõi về văn hóa - lịch sử sẽ được quy hoạch rõ ràng để tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng hệ thống không gian mở, cây xanh, các quảng trường chức năng... gắn với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng nhằm gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho TP. HCM, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư cải tạo, tái thiết và phát triển các khu vực này.
Đẩy mạnh đề xuất ý tưởng, các mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị đối với các khu vực phát triển mới. Đặc biệt là khu vực phía đông thành phố gắn kết với định hướng quy hoạch TP. HCM và quy hoạch chung TP. Thủ Đức được lập đồng thời.