Giá dầu thế giới lên xuống thất thường trong tuần qua. Thị trường “vàng đen” chứng kiến mức giảm sâu vào đầu tuần song lại đón nhận phiên tăng mạnh vào cuối tuần. Điều này dẫn tới diễn biến ngược chiều của hai loại dầu chủ chốt trong cả tuần.
Giá dầu thế giới lên xuống thất thường trong tuần qua. Thị trường “vàng đen” chứng kiến mức giảm sâu vào đầu tuần song lại đón nhận phiên tăng mạnh vào cuối tuần. Điều này dẫn tới diễn biến ngược chiều của hai loại dầu chủ chốt trong cả tuần.
Giá dầu thế giới giảm khoảng 6% trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 9/5) cùng với đà giảm của các thị trường chứng khoán, khi tình hình phong tỏa để chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc làm gia tăng những lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng. Bên cạnh đó, đồng USD còn chạm mức cao nhất 20 năm qua trong phiên này, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Thị trường năng lượng tiếp tục ảm đạm trong phiên giao dịch liền sau đó, khi giá dầu WTI chạm mức thấp nhất hai tuần. Chuyên gia Tamas Varga của công ty dịch vụ dầu khí PVM Oil Associates (Vương quốc Anh) nhận định chính sách phong tỏa do dịch COVID tại Trung Quốc và chính sách tăng lãi suất trên toàn thế giới để chống lạm phát đã củng cố đà tăng của đồng USD và làm gia tăng lo ngại về suy giảm kinh tế.
Căng thẳng Nga - EU liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine đã đẩy giá dầu thế giới tăng hơn 5% vào ngày 11/5. Dòng khí đốt của Nga sang châu Âu giảm và nước này có động thái trừng phạt một số công ty khí đốt châu Âu, làm tăng thêm sự bất ổn trên thị trường năng lượng thế giới.
Ông Andrew Lipow, chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết giá sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt nếu EU đạt được một thỏa thuận để từ bỏ việc mua dầu của Nga trong thời gian còn lại của năm nay. Các thành viên EU vẫn đang đàm phán về một lệnh cấm vận như vậy. Cuộc bỏ phiếu cần được sự ủng hộ nhất trí của các nước, nhưng đã bị trì hoãn vì Hungary tham gia cùng phe phản đối. Nếu EU thống nhất về lệnh trừng phạt dầu của Nga, các nhà phân tích cho rằng quyết định đó sẽ thắt chặt hơn nữa thị trường năng lượng và thay đổi dòng chảy thương mại thế giới.
Giá dầu biến động nhẹ trong phiên 12/5 trước khi ngược dòng tăng trở lại vào phiên cuối tuần 13/5, khi giá xăng tại Mỹ vọt lên cao kỷ lục, Trung Quốc có vé đã sẵn sàng nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch và nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt nếu EU cấm vận dầu Nga.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 4,10 USD (tương đương 3,8%), lên 111,55 USD/thùng. Trong khi giá dầu WTI của Mỹ tiến 4,36 USD (tương đương 4,1%) lên 110,49 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 25/3/2022 và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của loại dầu này. Tuy nhiên, dầu Brent chứng kiến tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần.
Giá xăng kỳ hạn của Mỹ đã vọt lên mức cao mọi thời đại sau khi dự trữ xăng tại nước này giảm tuần thứ 6 liên tiếp vào tuần trước. Giá tại các trạm bơm xăng ở Mỹ vào ngày 13/5 đã tăng lên 4,43 USD/gallon đối với xăng và 5,56 USD/gallon đối với dầu diesel.
Giá dầu đã biến động mạnh, do những lo ngại về khả năng EU cấm vận dầu Nga có thể thắt chặt nguồn cung hơn, nhưng giá dầu cũng bị áp lực bởi lo ngại rằng đại dịch COVID-19 tái bùng phát có thể làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu.
Tại Trung Quốc, các nhà chức trách cam kết hỗ trợ nền kinh tế và các quan chức thành phố cho biết Thượng Hải sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế về giao thông liên quan đến đại dịch và mở lại các cửa hàng trong tháng này.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Giá dầu thô tăng nhờ lạc quan rằng tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc không xấu đi và khi các tài sản rủi ro phục hồi”.
EU cho biết đã có tiến triển trong nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Mỹ cho biết họ đánh giá cao nỗ lực của EU nhưng cho biết vẫn chưa có thoả thuận nào và không chắc có thể đạt được thoả thuận nào. Các nhà phân tích cho biết một thoả thuận với Iran có thể bổ sung thêm 1 triệu thùng/ngày vào nguồn cung cho thị trường.