Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với kết quả kinh doanh tăng trưởng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 424%, bỏ xa các ngân hàng Big 4 khác. Tuy nhiên, mức trích lập dự phòng cao kỷ lục này đang khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu.
Riêng trong quý IV, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng của Vietcombank tăng trưởng thấp, khoảng 3% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức tăng lần lượt là 17% và 24%.
Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động 11%, nhà băng này lãi trước thuế hơn 8.000 tỷ trong quý IV, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 17%; lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối đều tăng trưởng ở mức vừa phải 12%. Hoạt động thu hồi nợ ghi nhận mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động của Vietcombank tăng 10%, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục tăng 18% so với năm ngoái.
Sau một năm lợi nhuận đi ngang vì trích lập dự phòng nợ xấu ở mức kỷ lục, năm 2021, Vietcombank lãi ròng hợp nhất gần 22.000 tỷ, tăng trưởng gần 19% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối 2021, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 14% so với đầu năm. Nợ xấu tăng nhẹ 891 tỷ, tương đương mức tăng 2 điểm cơ bản, lên 0,64% so với tỷ lệ 0,62% hồi đầu năm.
Tuy nợ xấu chỉ tăng nhẹ, năm nay, Vietcombank lại tiếp tục mạnh tay trích lập dự phòng cho vay khách hàng thêm hơn 6.700 tỷ. Như vậy, với mỗi đồng nợ xấu nội bảng, ngân hàng này đang trích lập dự phòng hơn 4 đồng. Đây là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành ngân hàng. Với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt kỷ lục 424%, Vietcombank đã trích lập đủ cho nợ cơ cấu vì Covid-19 trước 2 năm so với thời hạn.
Nghi vấn “giấu lãi”
Việc Vietcombank mạnh tay trích lập dự phòng không còn là điều mới mẻ với các nhà đầu tư theo dõi mảng ngân hàng.
Từ năm 2016, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã vượt mức 100%, điều hiếm ngân hàng nào làm được khi đa số vẫn còn phải vật lộn với nợ xấu tại VAMC.
Các năm tiếp theo, tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng, từ mức 119% năm 2016, lên mức 131% năm 2017, tiếp tục tăng lên 165% trong năm 2018. Năm 2019, tỷ lệ này đạt 179%.
Tới năm 2020, lợi nhuận sau thuế cả năm của Vietcombank đạt 18.472 tỷ đồng, giảm 124 tỷ đồng, tương đương 0,6% so với 2019.
Thu nhập lãi thuần quý 4/2020 của Vietcombank tăng 1.751 tỷ đồng, tương ứng 18% so với quý 4/2019; luỹ kế cả năm đạt 36.285 tỷ đồng, tăng 1.748 tỷ đồng, tương đương 5% so với cả năm 2019.
Chỉ tiêu này giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng năm 2020 của Vietcombank là 33.024 tỷ đồng, tăng 3.205 tỷ đồng, tương đương 10,7% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến Vietcombank tăng trưởng lãi ròng âm là việc mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay khách hàng năm 2020 của Vietcombank bỗng nhiên tăng vọt hơn 9.000 tỷ đồng, tương đương 88%.
Điều khó hiểu là Vietcombank tiếp tục tăng mạnh trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu giảm!?
Tại thời điểm 31/12/2020, nợ xấu tại Vietcombank là 5.230 tỷ đồng, giảm 140 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương 2,6%; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,73% xuống 0,62%.
Quan điểm điều hành đặc biệt này khiến nhiều nhà đầu tư khó hiểu và từng đặt nghi vấn rằng phải chăng Vietcombank đang “giấu lãi”, hay ngân hàng có lượng lớn nợ xấu tiềm ẩn nên mới phải trích lập dự phòng "quá tay" như vậy? Ban lãnh đạo ngân hàng này chỉ khẳng định rằng ngân hàng trích lập dự phòng đúng quy định pháp luật và không có lượng lớn nợ xấu tiềm ẩn như nghi vấn.
Cookie Jar Reserves - Của để dành
Việc một vài ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng, vốn đã trở thành truyền thống, như là cách để dành lợi nhuận cho tương lai. Những khoản dự phòng đã trích lập có thể được hoàn nhập như nguồn thu nhập bất thường và đóng góp vào lợi nhuận trong năm đó.
Theo quy định về trích lập dự phòng, chi phí dự phòng cụ thể được tính bằng cách lấy dư nợ gốc của khoản vay trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, sau đó nhân với tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể theo nhóm nợ đã được phân loại. Trong trường hợp giá trị tài sản bảo đảm định giá lớn hơn cả số dư nợ gốc, thì số dư dự phòng cụ thể phải trích được tính bằng 0.
Điều này đã ảnh hưởng đáng kể lên cơ chế trích lập dự phòng hiện nay của các ngân hàng. Những ngân hàng không muốn trích lập dự phòng quá lớn (vì sẽ ăn mòn lợi nhuận) có thể định giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực tế theo giá thị trường tại thời điểm đó, từ đó kéo số dự phòng phải trích xuống.
Ngược lại, có những ngân hàng cố tình định giá giá trị tài sản bảo đảm xuống mức thấp hơn giá trị thực, để từ đó làm tăng số trích lập dự phòng trong kỳ. Đây thường là những ngân hàng đã đạt kết quả lợi nhuận khá cao, tăng trưởng mạnh so với giai đoạn trước, nên chủ động mạnh tay trích lập dự phòng để kìm lợi nhuận lại, nhằm để dành dư địa cho giai đoạn kế tiếp.
Bởi vì, nếu để lợi nhuận tăng quá mạnh, có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, cũng như tạo ra áp lực rất lớn về tăng trưởng lợi nhuận cho những năm sau đó.
Cần lưu ý rằng Vietcombank là ngân hàng thương mại quốc doanh, Nhà nước giữ tỷ lệ sở hữu chi phối, đồng nghĩa rằng dư địa tăng vốn sẽ hạn chế hơn các ngân hàng tư nhân. Mặt khác, ngân hàng quốc doanh cũng chịu áp lực nặng nề hơn trong việc chia cổ tức do không có quyền tự quyết, lợi nhuận càng lớn thì chi trả cổ tức càng nhiều, ảnh hưởng đến nguồn vốn tự có của ngân hàng.
Trong tháng 02/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 11,4 nghìn doanh nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (6,6 nghìn doanh nghiệp).
Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land được vinh danh trong Top 10 nhà cung ứng dịch vụ Bất động sản tốt nhất năm 2021 cùng những tên tuổi công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia, gửi văn bản góp ý kiến đến Ban soạn thảo để đạt mục tiêu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử trong tháng 4/2022.
Các chỉ số chính tại Phố Wall cũng ghi nhận xu hướng tương tự khi chỉ số Dow Jones tăng 0,8% lên 34.754,93, S&P 500 tăng 1,17% lên 4.463,12 và Nasdaq Composite tăng 2,05% lên 13,893,84.
CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (HNX: PSD) mới đây đã phát đi thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt 1 năm 2022.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã lên kế hoạch nâng sở hữu CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn và CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tân thành công ty con sau khi ghi nhận lãi gần 5.500 tỷ đồng.