Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 31/3, bao gồm: FRT, DXG, MSH, HDG, TPB.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 31/3, bao gồm: FRT, DXG, MSH, HDG, TPB.
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FRT với giá 162.100 đồng/CP
CTCK BIDV - BSC
Luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu CTCP Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE): Động lực tăng trưởng chính đến từ Mảng dược kỳ vọng tiếp tục có lãi nhờ (1) Đẩy mạnh tăng trưởng cửa hàng nhưng vẫn đảm bảo điểm hoà vốn; (2) Thị trường phân mảnh và miếng bánh thị phần được mở rộng nhờ kỳ vọng (2.1) nhu cầu chăm sóc sức khoẻ được chú trọng hơn sau dịch và (2.2) tốc độ tăng nhanh của tầng lớp trung lưu trong dài hạn;
Bên cạnh đó, mảng điện tử tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trong 2022, (1) Mảng điện thoại (Apple) tăng trưởng nhờ các doanh nghiệp tiếp tục chiếm thị phần từ hàng xách tay, (2) Laptop: xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp và xu hướng cao cấp hoá giúp giá trung bình sản phẩm được cải thiện.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 2022 lần lượt đạt 29.789 tỷ đồng (tăng 32% so với năm trước) và 827 tỷ đồng (tăng 49%), tương đương 110% và 114% kế hoạch . EPS fw = 8.382 đồng và P/E fw=18,6 lần.
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu FRT với giá 162.100 đồng/CP, upside 4% so với giá ngày 29/03/2022 với phương pháp DCF với WACC = 6.3%.
Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG với giá mục tiêu là 52.600 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam - KBSV
Kết quả kinh doanh năm 2021 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG – sàn HOSE) có nhiều khởi sắc nhờ bàn giao dự án Gem Skyworld và Opal Boulevard. Cụ thể, doanh thu đạt 10.089 tỷ đồng (tăng 249% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.157 tỷ đồng, so với mức âm 496 tỷ của năm 2020.
Doanh thu năm 2022 và 2023 của DXG ước tính đạt lần lượt 9.556 tỷ đồng (giảm 5% so với năm trước) và 11.209 tỷ đồng (tăng 17), tương ứng với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.382 tỷ đồng (tăng 19%) và 1.724 tỷ đồng (tăng 25%).
Về kế hoạch bán hàng trong năm 2022, Đất Xanh sẽ tiếp tục bán hàng tại dự án Gem Sky World và mở bán tại 3 dự án mới bao gồm Opal Cityview, DXG Parkview và Gem Riverside. Tổng giá trị hợp đồng bán của các dự án trong năm 2022 tăng trưởng mạnh ước đạt 18,160 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm 2021.
Tổng quỹ đất hiện tại của DXG đạt khoảng 4.200 ha sau khi công ty liên tục thâu tóm các quỹ đất tiềm năng, trong đó có 30 - 40% là đất sạch sẵn sàng mở triển khai.
Dựa trên triển vọng kinh doanh và định giá, chúng tôi tiếp tục đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DXG với giá mục tiêu là 52.600 đồng/CP, cao hơn 17% so với giá đóng cửa ngày 28/03/2022.
Xem thêm: CTCP Xây dựng 1369 mất đi một cổ đông lớn
Cắt lỗ nếu cổ phiếu MSH giảm xuống dưới ngưỡng 80.200 đồng/cổ phiếu
CTCK BIDV – BSC
CTCP May Sông Hồng (HOSE - Mã: MSH) có một phiên tăng điểm tốt khi hình thành mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo cùng khối lượng tích cực. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng khả quan.
Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20, MA50 và MA100, đường MA20 và MA50 hiện ở dưới MA100 nhưng đang có xu hướng cắt lên. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 86.2, chốt lãi tại ngưỡng 101.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 80.2.
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 78.300 đồng/CP
CTCK MB - MBS
Doanh thu và lợi nhuận từ mảng bất động sản của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG – sàn HOSE) tăng trưởng khả quan từ 2022, trong đó giá trị bán hàng năm 2022 - 2025 dự kiến đạt 12.000 - 13.000 tỷ đồng, chủ yếu với đóng góp từ dự án Charm Villas (Hoài Đức, Hà Nội), Greenlane (quận 8, TP.HCM) và Minh Long (Thủ Đức, TP. HCM).
Kế hoạch của HDG là thâu tóm quỹ đất có quy mô 320 ha (so với quỹ đất hiện tại là 123 ha) và dự kiến sở hữu 100% quỹ đất này. Sắp tới HDG dự kiến hoàn thành mua lại 125 ha đất Tây Hà Nội (quý I/2022) với chi phí sơ bộ 1 nghìn tỷ đồng với biên lợi nhuận ròng từ 18 - 20% trở lên. Dù điều này cho thấy tiềm năng lớn trong tương lai đối với mảng bất động sản, chúng tôi vẫn chưa điều chỉnh định giá do chưa có thông tin chi tiết. Điều này hàm ý khả năng tăng giá mục tiêu trong tương lai nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ.
Động lực phát triển trong trung dài hạn của HDG chính là mảng Năng lượng. Đây là lĩnh vực kinh doanh ổn định, có biên lợi nhuận cao và hứa hẹn đem đến bứt phá trong trung dài hạn cho tập đoàn. Đến cuối 2021, đã có 8 nhà máy đi vào vận hành với tổng công suất 462 MW, trong đó có 1 nhà máy điện gió.
HDG xác nhận rằng các dự án điện gió mới đã được bổ sung vào Quy hoạch điện (PDP) 7 sửa đổi. Sau khi PDP 8 được phê duyệt và cơ chế giá mới đã rõ ràng HDG sẽ động thổ ngay cho các dự án mới này. Kế hoạch đến năm 2025, Tập đoàn Hà Đô sẽ phát triển thêm mới các dự án điện mặt trời, điện gió, hoàn thành mục tiêu công suất phát điện đạt 1 GW.
Rủi ro đầu tư: Với việc Chính phủ tuyên bố chiến lược thích ứng với dịch Covid-19, chúng tôi đánh giá rủi ro từ các đợt giãn cách xã hội là khó xảy ra. Do đó, hiện tại chúng tôi nhận định các rủi ro sau đang hiện hữu:
Lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến: Việc thay đổi điều hành chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tới kênh tín dụng dẫn vốn vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại tương đối ổn định, không gian chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế.
Rủi ro pháp lý: Các văn bản pháp lý còn chồng chéo, ví dụ Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản chưa đồng bộ làm chậm trễ quá trình phê duyệt dự án và ảnh hưởng hiệu quả các dự án. Tuy nhiên các quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt giúp thị trường sôi động trở lại.
Với các dự án Thủy điện, thời tiết có thể ảnh hưởng đến công suất của các nhà máy. Ngoài ra, đối với các dự án năng lượng nhìn chung có thể xảy ra rủi ro kỹ thuật đối với việc vận hành nhà máy.
Với những luận điểm trên, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu HDG, với giá mục tiêu 78.300 đồng/CP (tăng 10%).
Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TPB với giá mục tiêu 44.693 đồng/cp (Upside: 11%)
CTCK Bảo Việt – BVSC
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE – Mã: TPB) đặt kế hoạch LNTT năm 2022 tăng mạnh 35,8% YoY từ nền cao năm 2021 là 6,0 nghìn tỷ (+37,6% YoY) lên 8,2 nghìn tỷ, tương đối phù hợp với dự báo hiện tại của BVSC là 8,5 nghìn tỷ (+41,2% YoY). Theo đó, TPB kỳ vọng tỷ suất sinh lợi ROE năm 2022 sẽ duy trì ở mức cao 22,4% so với dự báo năm 2022 của BVSC là 23,2% và 22,6% năm 2021 của TPB.
Cho cả năm 2022, TPB đặt kế hoạch dư nợ tín dụng (bao gồm: cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 18% YoY lên 188.800 tỷ, đồng thời đặt mục tiêu huy động (bao gồm: cả cấp vốn cấp 1 và cấp 2) để tăng 12% YoY lên 292.579 tỷ; trong đó: Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 15% YoY đạt 201.212 tỷ. Vay liên ngân hàng tăng nhẹ 5% YoY lên 91,4 nghìn tỷ.
BVSC lưu ý rằng, TPB là một trong số ít ngân hàng có tăng trưởng huy động ở mức 2 chữ số năm 2021 trong phạm vi nghiên cứu của BVS. BVSC nhận thấy, TPB ít phải đối mặt với áp lực huy động hơn để tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022. Theo kế hoạch tín dụng và huy động, BVSC hiểu rằng, TPB đang hướng tới việc tối ưu hóa hệ số LDR hiện đang ở mức thấp (58,2% so với giới hạn 85%) để hỗ trợ NIM năm 2022.
Triển vọng NIM cũng tích cực hơn nhờ mục tiêu của Ngân hàng: (1) tăng CASA hơn nữa; và (2) kiểm soát chặt chẽ chất lượng các khoản vay.
TPB tái khẳng định mục tiêu phát triển cả chất và lượng cơ sở khách hàng, tận dụng cơ hội bán chéo và do đó, thúc đẩy tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hơn nữa.
TPB đặt mục tiêu tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2022 tăng nhẹ lên 35% từ mức thấp năm 2021 là 33,8% do Ngân hàng thu được: (1) lãi khá lớn từ chứng khoán đầu tư; và (2) cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, trong bối cảnh khó khăn do COVID-19.
TPB đặt mục tiêu: (1) Nợ xấu năm 2022 ở mức dưới 1,5% so với 0,81% hiện tại; (2) CAR năm 2022 duy trì ổn định ở mức trên 12% so với mức 13,4% hiện tại; và (3) Các chỉ số thanh khoản duy trì ở mức tốt.
Theo đó, BVSC duy trì khuyến nghị Outperform đối với TPB và giữ nguyên giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp Thu nhập thặng dư ở mức 44.693 đồng/cp (Upside: 11%). Ở mức giá hiện tại, TPB đang giao dịch ở mức P/B dự phóng là 1,94x (năm 2022) và 1,56x (năm 2023), so với 2,07x là mức trung bình 1 năm qua, với nền tảng cơ bản vững chắc hơn nhiều, bao gồm: nền tảng vốn tốt, sức mạnh thanh khoản, cải thiện chất lượng tài sản, mở rộng cơ sở khách hàng vững chắc dựa trên lợi thế của đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số và triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn.
Xem thêm: Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu mức tăng trên thị trường châu Á