Trình bày trước QH về mục tiêu cũng như giải pháp thực hiện chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mà người dân và doanh nghiệp đang rất quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và năm 2023.
Trình bày trước QH về mục tiêu cũng như giải pháp thực hiện chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mà người dân và doanh nghiệp đang rất quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và năm 2023.
Như VnMedia đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết cá nhân ông ủng hộ tăng bội chi, tăng nợ công, thực hiện gói hỗ trợ kích thích phục hồi, phát triển kinh tế, Bộ trưởng cũng đã trình bày trước Quốc hội về mục tiêu cũng như giải pháp thực hiện gói kích thích này.
Trước hết, Bộ trưởng cho biết đã nghiên cứu kỹ các phương thức thực hiện những gói hỗ trợ của các nước trên thế giới và nhận thấy, họ "đã có những chính sách và có những quyết sách rất nhanh", với một số đặc điểm chính.
Thứ nhất là có những gói hỗ trợ với quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và bất chấp những kỷ luật, kỷ cương về tài chính.
Thứ hai là chấp thuận, chấp nhận tăng trần nợ công cũng như nợ Chính phủ và bội chi ngân sách.
Thứ ba là họ thống nhất rất nhanh, quyết định rất nhanh, thực hiện rất dễ và làm ngay.
“Cho nên tình hình của các nước sau khi đã được tiêm phủ vaccine nhanh, cùng với kế hoạch phục hồi kinh tế, các gói hỗ trợ thì các nước này đều đã có tốc độ tăng trưởng và hồi phục rất nhanh của kinh tế.” – Bộ trưởng giải thích.
Cụ thể, theo IMF thì Mỹ đã bỏ tất cả là 27,9% GDP và chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần trăm và đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP.
Tương ứng như vậy, Trung Quốc tăng 6,1% và để tăng thêm nợ công là thêm 9,7% điểm và tổng nợ công đến nay của Trung Quốc là 66,8%;
Thái Lan tương ứng là tăng thêm 15,6% và nợ công tăng thêm 9,4% và tổng là 50,5%;
Malaysia 8,8% GDP và nợ công tăng thêm 8,2 điểm phần trăm và tổng nợ công lên 52,5%.
Về chính sách tài khóa, các nước này đều tăng chi cho y tế và phòng, chống dịch, trợ giúp xã hội và hộ gia đình có thu nhập thấp với phương thức cấp phát bằng tiền mặt, hỗ trợ về lương thực, tiền điện, chi trả các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm từ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội; Miễn giảm thuế, phí cho thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Thứ tư là hỗ trợ dòng tiền cho một số ngành và lĩnh vực ưu tiên.
Thứ năm là đầu tư cho hạ tầng.
Riêng Mỹ bỏ nguồn ngân sách rất lớn là 1.200 tỷ USD để đầu tư cho hạ tầng, để vừa phục hồi và vừa kích thích tăng trưởng cho dài hạn.
Về chính sách tiền tệ, theo Bộ trưởng, các nước cũng duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, tăng tín dụng và nới lỏng các điều kiện để hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu đãi, miễn, giảm thuế, hạn chế chi trả cổ tức bằng tiền,v.v..
Sau khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong nước, ngoài nước cũng như tình hình thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ra một số quan điểm.
Thứ nhất là phải có một quy mô đủ lớn.
Thứ hai là thời gian thực hiện phải phù hợp, phải bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ ba là phải có các hỗ trợ cho cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế. Thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của chúng ta đang thực hiện, thực hiện gắn kết, lồng ghép vào các chương trình này.
Thứ tư là phải tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ và phối hợp đồng thời có tính đến vấn đề dài hạn, như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, tức là cho cả ngắn hạn và thực hiện được ngay nhưng phải chú ý đến những vấn đề tác động cho cả vấn đề dài hạn. Giữa các chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện một cách cụ thể để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Hỗ trợ thì phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế.
Về mục tiêu, đó là phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128. Phải đảm bảo chủ động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động trong mọi điều kiện trước tác động của dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%.
Thứ tư, về ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu ngân sách nhà nước, an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Thứ năm, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân, người nghèo, đối tượng yếu thế, đối tượng xã hội.
Thứ sáu, tránh giải thể, phá sản và thâu tóm của doanh nghiệp.
Về đối tượng và phạm vi, đó là người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng; Đồng thời, có những ngành có tiềm năng, khả năng để phục hồi nhanh và có thể tạo thành động lực lan tỏa cho nền kinh tế, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Về phạm vi, sẽ thực hiện trên cả nước, nhưng sẽ có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ một số đối tượng...
“Về thời gian thực hiện, chúng tôi đang dự tính sẽ báo cáo, nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm là năm 2022 và năm 2023. Nếu được Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp cuối năm nay thì chúng ta sẽ thực hiện ngay đầu năm 2022 để phục hồi nhanh và phát triển nhanh nền kinh tế, đảm bảo các mục tiêu như chúng tôi đã đề ra.”