Chứng khoán Mỹ sụt giảm vào phiên hôm qua (12/7) khi những lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm giảm mong muốn của các nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro.
Chứng khoán Mỹ sụt giảm vào phiên hôm qua (12/7) khi những lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm giảm mong muốn của các nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro.
Chỉ số Dow Jones giảm 192,51 điểm, tương đương 0,62%, xuống 30.981,33, trong khi S&P 500 giảm 0,92% xuống 3.818,80. Nasdaq Composite giảm 0,95% xuống 11.264,73.
Cổ phiếu lao dốc tại thời điểm đóng cửa phiên, khép lại một phiên giao dịch giằng co. Các chỉ số chính luôn dao động giữa tăng và giảm, trong đó Dow Jones có thời điểm tăng 172 điểm nhưng lại sụt giảm tới hơn 300 điểm.
Một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành công nghệ dù bật lên trong phiên nhưng đã từ bỏ mức tăng để kết phiên bằng sắc đỏ.
Salesforce và Microsoft đều giảm hơn 4% trong khi Netflix và Alphabet giảm hơn 1%. Amazon giảm hơn 2%.
Trái ngược, cổ phiếu Twitter, vốn đã biến động mạnh sau khi Elon Musk chấm dứt thương vụ mua bán, bật tăng thêm 4,3%.
Ngoài ra, cổ phiếu hàng không ghi nhận xu hướng tăng tại phiên giao dịch hôm qua sau khi American Airlines cho biết, họ dự kiến tổng doanh thu quý II sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 2019. Cổ phiếu American Airlines tăng gần 10% sau tin tức này trong khi United, Delta và Southwest lần lượt tăng khoảng 8,1%, 6,2% và 4,6%.
Tương tự, cổ phiếu của lĩnh vực công nghiệp tàu biển du lịch Norwegian và Carnival tăng lần lượt 5,8% và 7,5%. Cổ phiếu của Boeing tăng 7,4% khi lượng hàng giao đạt mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 3/2019.
Tuy nhiên, tất cả các lĩnh vực chủ chốt đều giảm điểm, dẫn đầu bởi ngành năng lượng với mức giảm là 2%. Giá cổ phiếu của Halliburton và Devon Energy giảm hơn 2%.
Nguyên do khiến cổ phiếu năng lượng có mức giảm vậy là bởi lo ngại của giới đầu tư về sự suy thoái diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Xem thêm: Lao dốc từ 10 tỷ USD xuống 0, 3AC đã khiến thị trường lao đao ra sao?
Keith Lerner của Truist cho biết: “Hiện thị trường đang thiếu chất xúc tác, thiếu thông tin mang tính dẫn dắt thị trường đi lên. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại cũng như nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn đang thực hiện kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ và tôi nghĩ điều này liên quan đáng kể đến thị trường”.
Tại phiên 12/7 hôm qua, nhà đầu tư dường như tránh xa các tài sản rủi ro như cổ phiếu để dành sự quan tâm tới các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như trái phiếu Mỹ và đồng USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 1 điểm cơ bản, xuống khoảng 2,98%.
Bên cạnh đó, PepsiCo đã bắt đầu mùa báo cáo tài chính quý II tại Mỹ vào hôm qua. Lợi nhuận và doanh thu hàng quý của doanh nghiệp đều tốt hơn mong đợi, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng trong nửa cuối năm nay.
Delta Air Lines và JPMorgan Chase nằm trong số các công ty dự kiến sẽ báo cáo vào cuối tuần này.
Nhà đầu tư đều đang xem xét, phân tích những rủi ro có thể xảy ra khi các công ty đều phải xoay sở với lãi suất tăng và áp lực lạm phát cũng ngày một gia tăng.
Chris Zaccarelli - Giám đốc Đầu tư của Independent Advisor Alliance cho biết, tác động sẽ không ảnh hưởng lớn cho đến khi các công ty công bố lợi nhuận quý III.
Keith Lerner cho biết thêm, các doanh nghiệp có đủ khả năng đối mặt với tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao sẽ xuất sắc vượt qua được mùa báo cáo tài chính này.
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển một phần chi phí tăng lên sang khách hàng. Chính vì thế, những công ty này đều phải đang vật lộn với tình trạng chi phí đầu vào tăng cao.
Xem thêm: Sắc đỏ bao trùm chứng khoán Mỹ phiên 11/7