Giá năng lượng tăng đột biến đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo châu Âu và làm gia tăng mối quan ngại về cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa Đông sắp tới.
Giá năng lượng tăng đột biến đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo châu Âu và làm gia tăng mối quan ngại về cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa Đông sắp tới.
Giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã chạm mức cao nhất trong gần 7 năm qua, trong khi giá khí đốt tự nhiên liên tục lập kỷ lục trong bối cảnh Trung Quốc và nhiều nước lớn khác đang chật vật giải quyết nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến sau thời kỳ giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã tăng đột biến trong năm nay, với mức tăng gần 600% do lo ngại mức dự trữ năng lượng thấp hiện nay sẽ không đủ cung cấp cho các dịch vụ trong mùa Đông sắp tới. Trong khi tại Mỹ, giá khí đốt giao tương lai gần đây đã chạm mức cao nhất trong 12 năm qua.
Trong ngày 6/10, giá khí đốt của Anh và châu Âu đều lập đỉnh mới. Cụ thể, giá khí đốt tại sàn giao dịch TTF Hà Lan của châu Âu đã tăng lên 162,12 euro/MWh, trong khi giá khí đốt tại Anh là 407,82 pence/Therm (Đơn vị đo nhiệt để đo việc cung cấp khí đốt).
Việc giá khí đốt tăng cao, cùng với giá dầu chạm mức cao nhất trong nhiều năm qua, đã "thổi bùng" lên những lo ngại lạm phát gia tăng và khiến hóa đơn năng lượng trong nước tăng "phi mã".
Có nhiều ý kiến cho rằng việc Nga hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm đẩy nhanh tiến trình đưa vào sử dụng đường ống dẫn khí đối Dòng chảy phương Bắc 2 nối Nga và Đức, cùng với lượng khí đốt dự trữ thấp là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/10 khẳng định trách nhiệm này thuộc về châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá năng lượng là việc chấm dứt hoạt động của "hợp đồng dài hạn" có lợi cho thị trường giao ngay.
Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang chia rẽ về cách ứng phó với tình trạng giá năng lượng leo thang hiện nay. Pháp và Tây Ban Nha ngày 6/10 kêu gọi có hành động quyết đoán toàn EU, trong khi nhiều nước cho rằng cần bình tĩnh.
Dự kiến, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất các biện pháp để giảm thiểu những tác động của giá nhiên liệu tăng đối với người tiêu dùng. Những đề xuất đó sẽ được các nhà lãnh đạo của khối thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 21-22/10 tới.