Cựu Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache cho rằng Châu Âu đang phải “oằn mình” gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng trong khi nền kinh tế của Moscow vẫn đang hoạt động tốt.
Cựu Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache cho rằng Châu Âu đang phải “oằn mình” gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng trong khi nền kinh tế của Moscow vẫn đang hoạt động tốt.
Cựu Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng nhận định rằng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã không thể tạo ra vết lõm trong nền kinh tế Nga mà cuối cùng lại chỉ gây tổn hại cho chính người châu Âu. Ông Heinz-Christian Strache cũng cáo buộc các nhà hoạch định chính sách của EU “nhắm mắt làm ngơ” trước các cuộc giao tranh gây chết người ở miền đông Ukraine hay còn gọi là vùng Donbass mà theo ông chính việc đó là “màn dạo đầu” cho cuộc xung đột hiện tại.
Phát biểu tại một cuộc biểu tình ủng hộ trung lập ở Vienna, cũng là một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp trừng phạt đối với Nga, ông Strache tuyên bố rằng quyết định của Áo trong việc tham gia vào chiến dịch trừng phạt Nga hóa ra lại là một vết thương tự gây ra. Cựu Phó Thủ tướng cũng cho rằng, “Áo đã cho châu Âu thấy các biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại cho chính họ như thế nào”. Ông Strache cũng nói với các khán giả rằng các biện pháp trừng phạt đã khiến giá điện và khí đốt tăng vọt, ngày càng có nhiều người cảm thấy bị ảnh hưởng.
“Nếu cứ tiếp tục như thế này, vào tháng 3 và tháng 4 năm sau, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ và phá sản hàng loạt,” Cựu Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache cảnh báo, đồng thời miêu tả viễn cảnh đó là “hết sức nguy hiểm”.
Nếu cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn và nhiều người trở nên tuyệt vọng, “điều này có thể dẫn đến những diễn biến nguy hiểm dưới dạng căng thẳng xã hội mà tất cả chúng ta đều không muốn,” cựu Phó Thủ tướng Áo nói thêm.
Chưa dừng lại ở đó, ông Strache tiếp tục chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt đã không thể làm suy yếu nền kinh tế Nga. Theo ông, “năm nay, người Nga đã tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh của họ”, thu về 220 tỷ USD doanh thu.
Ông Strache tuyên bố rằng Tây Âu đã nhận thấy họ rơi vào tình cảnh hiện tại vì họ đã “ngoảnh mặt đi” trong nhiều năm với tình trạng đụng độ, thù địch ở vùng Donbass, bắt đầu từ năm 2014 sau các cuộc biểu tình bạo lực ở thủ đô Kiev.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, các quốc gia phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mới đối với Moscow, đóng băng một nửa dự trữ vàng và ngoại tệ, đồng thời nhắm mục tiêu vào xuất khẩu năng lượng của nước này.
Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt nói trên đã khiến giá năng lượng và chi phí sinh hoạt ở Châu Âu tăng vọt, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối trên khắp khu vực.
Đầu tháng này, hàng trăm nhà hoạt động người Ý đã tập trung tại trung tâm Milan để phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và mở rộng các biện pháp trừng phạt.
Vào cuối tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách của EU chính là những người phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra đối với khu vực Châu Âu.
Những phát biểu nói trên được Cựu Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache đưa ra trong bối cảnh giá năng lượng ở Áo đã tăng hơn gấp đôi.
Giá khí đốt tự nhiên ở Áo đã tăng 119% trong tháng 10 so với năm ngoái và tăng thêm 5,6% so với tháng 9, theo một báo cáo vừa được Cơ quan Năng lượng Áo (AEA) công bố hồi cuối tuần vừa rồi.
Chỉ số giá năng lượng (EPI) do cơ quan này tính toán cho thấy giá năng lượng hộ gia đình so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 50,2% trong tháng Mười.
AEA cũng cho biết, giá năng lượng duy trì ở mức kỷ lục trong tháng 10 và là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát, do dầu nhiên liệu tăng 94,5%, dầu diesel tăng 48,6%, sưởi ấm khu vực tăng 61,5% và giá điện tăng 24,8%.
Khi nhiều hộ gia đình ở Áo đang tìm kiếm các nguồn sưởi ấm thay thế trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, viên nén gỗ đã chứng kiến giá tăng mạnh 163% trong tháng 10 so với năm ngoái. Củi tăng 81,7%.