Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang nên sớm tăng lãi suất để chống lại suy thoái trong tương lai, CEO Morgan Stanley James Gorman nhận định.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang nên sớm tăng lãi suất để chống lại suy thoái trong tương lai, CEO Morgan Stanley James Gorman nhận định.
Phát biểu một ngày trước khi Fed bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Gorman cho biết ông kỳ vọng trong lần họp này Fed sẽ vạch ra định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022.
“Chúng ta sắp bước vào một môi trường lãi suất tăng”, ông Gorman nói. “Tôi có cảm giác rằng Fed nên ‘dự trữ’ dư địa chính sách tiền tệ bằng một số lần nâng lãi suất, để khi một cuộc suy thoái khác tất yếu xảy đến, chúng ta sẽ có vũ khí để chống lại”.
Gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về một sự dịch chuyển lập trường chính sách tiền tệ.
Trước đây, Fed sẵn sàng để lạm phát tăng nóng cho tới khi thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, với giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 11 vừa qua tăng mạnh nhất gần 40 năm, các quan chức Fed nói họ đã sẵn sàng rút lại một số biện pháp chính sách tiền tệ siêu nới lỏng áp dụng trong thời đại dịch Covid-19.
Kỳ vọng đầu tiên của giới quan sát về lần họp này là Fed sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản hàng tháng. Theo dự báo, Fed sẽ nâng gấp đôi mức cắt giảm lên 30 tỷ USD mỗi tháng từ mức 15 tỷ USD mỗi tháng hiện nay. Theo đó, chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, được bắt đầu cắt giảm từ tháng 11, có thể kết thúc vào tháng 3/2022, thay vì kết thúc vào tháng 6 như dự kiến ban đầu.
Như vậy, Fed có thể nâng lãi suất trở lại sớm nhất từ tháng 3/2022, nhưng thị trường kỳ vọng đợt tăng lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 5.
Ông Gorman nói Fed “phải nâng lãi suất 10 lần thì mới đạt đến mức trung tính” – mức lãi suất không bị coi là quá lỏng hay quá chặt.
“Nếu tôi là Fed, tôi sẽ bắt đầu hành động sớm thay vì muộn. Hãy dự trữ một ít dư địa và chấp nhận thực tế”, vị CEO nói.
Theo ông Gorman, việc tăng lãi suất sẽ không làm chậm lại sự phục hồi mà sẽ giúp ổn định nền kinh tế, cho dù có thể khiến thị trường tài chính chao đảo trong một khoảng thời gian ngắn.
“Tôi không cho là tăng lãi suất sẽ gây chệch hướng nền kinh tế. Thứ chúng ta cần là sự cân bằng”, ông nói.