Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2021 cho thấy Việt Nam xếp hạng 62 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. Việc tăng thứ hạng thể hiện sự quan tâm, đầu tư của chính phủ vào công nghệ mới như AI là đúng hướng.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2021 cho thấy Việt Nam xếp hạng 62 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. Việc tăng thứ hạng thể hiện sự quan tâm, đầu tư của chính phủ vào công nghệ mới như AI là đúng hướng.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng AI năm 2021 được công bố trong báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện. Đây là lần thứ 4 báo cáo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu được xuất bản, sau ba lần vào năm 2017, 2019 và 2020.
Phương pháp đánh giá năm 2021 sử dụng 42 chỉ số (cao hơn 9 so với chỉ số của năm 2020) trên ba trụ cột (chính phủ, cơ sở hạ tầng và ngành công nghệ) với 10 khía cạnh thuộc nhóm nhân lực, dữ liệu và cơ sở hạ tầng, năng lực đổi mới, tầm nhìn, khả năng thích ứng, quản trị và đạo đức, năng lực kỹ thuật số, quy mô, tính sẵn có của dữ liệu. Việc mở rộng chỉ số mang lại bức tranh lớn và sâu hơn về sự sẵn sàng cho AI của các nước.
Trong lần đánh giá này, Việt Nam đứng thứ 62 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN, (so với năm 2020, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới và tăng 1 bậc (thứ 6/10) so với ASEAN). Đây là năm đầu tiên, điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 51,82, vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (47,42).
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chỉ số này cũng đánh giá hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về AI. Trong bản phát hành năm 2021, lần đầu tiên kể từ khi chỉ số này được công bố, một 1/4 quốc gia trong top 20 đến từ khu vực Đông Á, cụ thể là Singapore (thứ 2), Hàn Quốc (thứ 10), Nhật Bản (thứ 12), Trung Quốc (thứ 15) và Đài Loan (thứ 18). Ngoài Đài Loan, tất cả các quốc gia này đều đạt điểm cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, đánh dấu sự thành công của khu vực trong nghiên cứu AI và sức mạnh tính toán tiên tiến của nó.
Singapore đứng thứ hai bảng xếp hạng toàn cầu với điểm số 82,46, trong đó chỉ số quản trị nhân lực và năng lực đổi mới được đánh giá cao. Singapore cũng là là quốc gia có điểm số cao nhất trên toàn cầu trong trụ cột Chính phủ (94,88). Điều này phản ánh điểm số về tầm nhìn của đất nước (nước này có Chiến lược AI quốc gia), cam kết giải quyết vấn đề đạo đức trong AI, điểm mạnh trong khía cạnh năng lực kỹ thuật số và hỗ trợ cho các công nghệ mới.
Trên thực tế, quốc gia này đứng thứ nhất trên thế giới về việc chính phủ thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ mới nổi và sử dụng ICT trong các chỉ số hiệu quả của chính phủ. Quốc gia này cũng đạt điểm cao trong trụ cột dữ liệu và cơ sở hạ tầng (với số điểm 85,80/100), một phần phản ánh cơ sở hạ tầng 5G mạnh mẽ của Singapore và mức độ áp dụng cao của xã hội đối với các công nghệ di động trong nước.
Báo cáo năm nay cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược AI quốc gia, trong đó chỉ rõ Indonesia và Việt Nam đều đã phát hành các chiến lược quốc gia về AI trong thời gian kể từ năm 2020. Cả hai nước đều đạt điểm tối đa trong khía cạnh tầm nhìn năm 2021.
Chiến lược AI của Indonesia tập trung vào các dịch vụ y tế, cải cách quan liêu, giáo dục và nghiên cứu, an ninh lương thực, di chuyển và thành phố thông minh. Trong khi Việt Nam đặt ra tham vọng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Từ đầu năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mong muốn thúc đẩy sự phát triển AI tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối với các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế-xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI...
Báo cáo cũng cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 trong việc thúc đẩy quá trình số hóa các dịch vụ và dữ liệu sẵn có trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ví dụ: các quốc gia như Đài Loan và Nhật Bản, dẫn đầu về khía cạnh tính sẵn có của dữ liệu trong khu vực, đã thiết lập cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu COVID-19 cho mục đích sử dụng công khai. Cũng có sự bùng nổ về đổi mới và sáng tạo liên quan đến chăm sóc sức khỏe, từ chăm sóc sức khỏe từ xa đến phân tích bệnh nhân từ xa ở các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Philippines.
Một điểm nhấn khác trong khu vực là việc Trung Quốc thông qua Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) nhằm ngăn chặn doanh nghiệp thu thập dữ liệu riêng tư của người dùng, trong bối cảnh dư luận lo ngại các gã khổng lồ công nghệ lạm dụng thông tin cá nhân của khách hàng. Đạo luật được mô phỏng theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) - một trong những luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến nghiêm ngặt nhất thế giới. Tuy nhiên, PIPL còn tiến thêm một bước nữa khi tăng cường bảo mật dữ liệu trong biên giới.
Ngoài ra, trong năm nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố nhiều bài báo liên quan đến AI hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chiếm 27,68% tổng số các bài báo nghiên cứu về lĩnh vực AI trên toàn cầu.
Để cải thiện hơn nữa chỉ số sẵn sàng AI của khu vực trong tương lai gần, chuyên gia Karthik Nachiappan đề xuất 3 ưu tiên là tăng cường an ninh mạng và hợp tác giữa các chính phủ và khu vực tư nhân, đồng thời phát triển các mô hình quản trị dữ liệu.
Hiện nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đứng trước nguy cơ tấn công mạng, điều này đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào an ninh mạng trong bối cảnh các dịch vụ của chính phủ ngày càng được số hóa và các tương tác xã hội - kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc tiêu thụ và tạo ra dữ liệu. Nachiappan đề nghị các công ty và chính phủ trên toàn khu vực cần đảm bảo họ có đủ các giải pháp sao lưu và phục hồi. Điều này sẽ đảm bảo dữ liệu được bảo vệ; củng cố các dịch vụ và hoạt động nhằm chống lại sự gián đoạn nghiêm trọng. Từ đó sẽ giúp các quốc gia trong khu vực tăng cường điểm số về chỉ số an ninh mạng.
Thứ hai, chuyên gia Nachiappan cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và các công ty tư nhân để giúp giảm bớt những rào cản về quy định pháp lý và tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D) AI trong khu vực. Điều này sẽ giúp cải thiện điểm số của trụ cột ngành công nghệ trong dài hạn.
Ngoài ra, Nachiappan cũng gợi ý việc thành lập các trung tâm AI trong các trường đại học với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ và tạo ra những liên kết giữa các trung tâm nghiên cứu và các công ty trên phạm vi rộng hơn, nhằm nuôi dưỡng tài năng AI trong khu vực. Đài Loan là một ví dụ điển hình khi đạt 70,49/100 về chỉ số năng lực đổi mới và đã thiết lập khuôn khổ R&D dựa trên sự đồng đổi mới giữa các công ty Đài Loan và quốc tế.
Cuối cùng, theo Nachiappan, một rào cản nữa đối với việc cải thiện chỉ số sẵn sàng AI của khu vực là việc tồn tại "nhiều mô hình quản trị dữ liệu". Việc này hạn chế luồng dữ liệu giữa các quốc gia và tạo ra "chi phí bổ sung cho việc lưu trữ dữ liệu, xử lý dữ liệu, truyền dữ liệu và phân tích". Đồng thời, nó cũng khiến việc phát triển và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ dựa trên AI trở nên khó khăn hơn khi chúng phụ thuộc vào việc truy cập dữ liệu từ nhiều khu vực pháp lý.