Tuần qua, một số tờ báo quốc tế đưa ra nhận định cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 là rất khả quan, khi các nhà máy và dịch vụ đang dần phục hồi.
Tuần qua, một số tờ báo quốc tế đưa ra nhận định cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 là rất khả quan, khi các nhà máy và dịch vụ đang dần phục hồi.
Tình hình sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam vẫn đang được duy trì và tiến triển tốt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Một số bài báo quốc tế tuần qua và các nhà đầu tư nước ngoài nhận định, đây là những tín hiệu lạc quan, cho thấy Việt Nam đang thực sự chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả với COVID-19.
Điều này cũng khiến cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không bị đứt gãy như năm 2021 và giá cả toàn cầu cũng sẽ bớt leo thang.
Trong bài viết với tiêu đề: "Các nhà bán lẻ cảm thấy nhẹ nhõm, Việt Nam không đóng cửa các nhà máy do dịch bệnh", hãng tin Reuters nhận định, sự hoạt động không gián đoạn của các nhà máy tại Việt Nam, nước xuất khẩu quần áo và giày dép lớn thứ 2 vào Mỹ sau Trung Quốc, sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang đẩy lạm phát trên thế giới lên cao.
"Sản xuất đang được khôi phục trở lại. Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục trở lại. Những yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam trước đây vẫn được giữ vững. Trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục là một trong những nước tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ở châu Á và không có lý do gì mà điều đó lại không tiếp tục duy trì trong tương lai", ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội, đánh giá.
"GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Điều này tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam", ông Csaba Bundik, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam, cho biết.
Chuyên trang Diễn đàn Đông Á nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 là rất khả quan. Các nhà máy, dịch vụ đang dần phục hồi và sẽ chứng kiến những bước tăng trưởng ngoạn mục.
Sự gia tăng nhanh chóng độ phủ vaccine của Việt Nam cho thấy khả năng các nhà máy phải đóng cửa là rất thấp.
"Mức dự báo GDP tăng cao lên 7,9% năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 của Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của năm 2021. Trong 2 năm qua, chúng tôi không ghi nhận có thâm hụt nợ Chính phủ, vì vậy nó cho phép Chính phủ Việt Nam có thể chi nhiều hơn cho hồi phục kinh tế. Ví dụ như gói kích thích kinh tế sẽ được triển khai sắp tới", bà Sagarika Chandra, Giám đốc Khối quản trị rủi ro khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings, nhận định..
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 là rất tốt, khi các nhà máy và dịch vụ hoạt động trở lại sẽ tạo đà cho sức sản xuất tăng vọt.
Đà phục hồi của Việt Nam được đánh giá cao
Hàng loạt các tờ báo lớn của Nhật Bản gần đây cũng đã đánh giá cao quyết tâm và thành quả phục hồi sau đai dịch của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam là "mắt xích" không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Thông tin Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các du khách nước ngoài kể từ ngày 15/3 tới đây, đã được hàng loạt các tờ báo lớn nhất của Nhật Bản như NHK news, Nikkei, Asahi, JiJi News đăng tải, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được thành công trong tiêm phủ vaccine.
Thời báo kinh tế lớn nhất của Nhật Bản Nikkei đã có loạt bài viết về phục hồi thần tốc chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Tờ báo này khẳng định Đông Nam Á có tác động đặc biệt lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Điển hình như 40% hệ thống dây dẫn điện ô tô của nước này được cung ứng từ Việt Nam. Sản xuất tại Việt Nam bắt đầu phục hồi từ tháng 10/2021, nhưng đến cuối tháng 11 hoạt động sản xuất đã gần như trở lại bình thường.
Tờ Nikkei cũng đưa ra thống kê doanh số bán ô tô tại 6 quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2021 đều vượt so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý riêng tháng 12 đã tăng tới 6%.
Nhiều tờ báo của Nhật Bản đã đăng tải công bố tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Tờ Bloomberg phiên bản tiếng Nhật cho rằng mức tăng 2,58% trong năm 2021 đã vượt so với các dự báo như của Bloomberg là 2,2%, của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 2%.
Tờ Nikkei trích dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 6,6%. Tờ báo này lập luận rằng, 2 năm trước đại dịch (2018 - 2019) tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đều duy trì trên 7%.