Các tài khoản mạng xã hội có thể sẽ phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT khi muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Các tài khoản mạng xã hội có thể sẽ phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT khi muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang triển khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Theo Bộ TT&TT, từ khi Nghị định 72/NĐ-CP ban hành năm 2013 đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng xã hội càng trở nên phong phú. Các loại hình báo chí không còn giữ vị trí độc tôn, người dùng dần chuyển sang các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram... để phục vụ nhu cầu giải trí, mua sắm. Tuy nhiên, sự phát triển của mạng xã hội bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có hoạt động livestream tràn lan trên mạng.
Trên thực tế, nhiều cá nhân bán hàng online sử dụng hình thức livestream như một công cụ hữu hiệu để quảng cáo sản phẩm, giới thiệu hàng hóa với người mua và "chốt đơn" bán hàng ngay trong quá trình phát trực tiếp. Khi livestream bán hàng trở nên phổ biến thì nạn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu kém chất lượng cũng biến tướng theo. Thậm chí, không ít nghệ sĩ lợi dụng tên tuổi của mình để livestream bán hàng "nhái", giả nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài để trục lợi bất chính.
Để có thể siết chặt hoạt động livestream, trong dự thảo Nghị định, Bộ TT&TT đề xuất các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Với các trang web, ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 người truy cập thường xuyên mỗi tháng phải thông báo, xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT&TT.
Đối với các tài khoản Facebook, YouTube có lượt theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên, phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT (có biểu mẫu kèm theo dự thảo). Còn các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài có lượt theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người, chỉ phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT khi muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Như vậy, chỉ các tài khoản đã đăng ký thông tin với cơ quan quản lý nhà nước mới được sử dụng hình thức livestream. Trong khi đó, hiện nay, các tài khoản Facebook, YouTube đều có thể phát trực tiếp hoặc có doanh thu khi đáp ứng các điều kiện của các mạng xã hội, mà không cần quan tâm đến các điều kiện khác.
Theo Thanh Niên, nhiều ý kiến cũng cho rằng hình thức livestream bán hàng online trên mạng xã hội cũng cần được nhìn nhận công bằng. Cụ thể, cá nhân, công ty, tổ chức muốn mua bán phải đăng ký; hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng; phải được phép của cơ quan chức năng và nộp thuế để nhà nước không thất thu thuế; đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa hình thức bán hàng trực tuyến và bán hàng theo kiểu truyền thống.
Một luồng ý kiến khác cũng được đa số ủng hộ, đó là người livestream phải chịu trách nhiệm đối với những gì mình nói, hàng mình bán... gồm cả comment (bình luận) của những người khác trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, siết chặt quản lý, tăng hình phạt để có tính răn đe nhưng tuyệt đối không “cực đoan” theo kiểu “cái gì không quản lý được là cấm”, bởi mạng xã hội hoặc hình thức livestream, nếu được sử dụng phù hợp, đúng quy định, pháp luật vẫn có thể phát huy lợi ích trong “thời đại công nghệ 4.0”. Điều quan trọng phải có chế tài xử phạt thật nặng người vi phạm, vì “mức phạt nhẹ quá thì chẳng răn đe được ai và chẳng ai sợ”.