Giá Bitcoin hôm nay (14/4) tăng vọt, từ mức 39.000 USD vượt trên mốc 41.000 USD, sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm.
Giá Bitcoin hôm nay (14/4) tăng vọt, từ mức 39.000 USD vượt trên mốc 41.000 USD, sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm.
Dữ liệu của CoinDesk vào lúc 8h30' sáng nay (14/4, giờ Việt Nam), đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới giao dịch ở mức 41.322,34 USD/đồng, tăng 4,28% so với hôm qua (13/4). Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin thời điểm cao nhất đạt 41.531 USD, thấp nhất tại mức 39.602,58 USD.
Trong khi đó, theo dữ liệu của CoinGecko, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ qua là hơn 25 tỷ USD. Vốn hóa của thị trường Bitcoin đạt gần 786 tỷ USD.
Trước đó, giá của đồng tiền mã hóa này bất ngờ giảm mạnh vào ngày 11/4, sau đó rơi khỏi ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng hôm 12/4. Đến ngày 13/4, giá Bitcoin giảm còn 39.400 USD/đồng.
Nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng bật tăng theo đà tăng của Bitcoin, thị trường tràn ngập sắc xanh. Cụ thể, so với 24 giờ trước, Ethereum tăng 3,69%, ở mức giá 3.128 USD; XRP tăng 2,77%, có giá 0,732 USD; Solana tăng 4,11% lên 106,4 USD; Cardano tăng 3,28%, giao dịch ở mức 0,979 USD; Polkadot tăng 4,4%, có giá 18,4 USD; Polygon tăng 2,7%,có giá 1,43 USD; Bitcoin Cash tăng 13,37%, lên 344,29 USD...
Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa cũng tăng cao, vượt mốc 2.000 tỷ USD lên hơn 2.019 tỷ USD, tăng 2,9% so với ngày hôm qua.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng giá Bitcoin phục hồi phần nào sau khi một số nhà đầu tư tranh thủ mua vào với giá rẻ.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại UK & EMEA OANDA, cho biết: "Giá Bitcoin nương theo đà phục hồi của những tài sản rủi ro khác. Ngưỡng 42.000 USD/đồng sẽ là ngưỡng quan trọng tiếp theo".
"Vài ngày qua, nhà đầu tư đã bắt đầu dè chừng sau khi Bitcoin không tận dụng được đà tăng. Trong vòng 1 tuần qua, giá có thời điểm chạm ngưỡng 45.500 USD/đồng", ông Erlam cho biết thêm.
Theo ông Erlam, giá Bitcoin sẽ không đột ngột giảm mạnh một lần nữa. Tuy nhiên, tâm lý e ngại rủi ro của thị trường có thể kích hoạt đà giảm giá của Bitcoin và những loại tài sản rủi ro khác.
Giải thích về việc giá Bitcoin quay đầu bật tăng, ông cho rằng giá được điều chỉnh tăng "sau phản ứng bán tháo thái quá của nhà đầu tư".
"Giá Bitcoin có thể trở lại mức đỉnh cũ, nhưng vấn đề là thời điểm nào. Môi trường đầu tư hiện đã thay đổi nhiều so với hồi tháng 11/2021 - thời điểm giá Bitcoin đạt kỷ lục", ông Erlam nhận định, "sự thèm muốn của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro đã giảm mạnh".
Giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư không nên quá vội mừng trước việc Bitcoin quay đầu tăng giá, bởi nhiều quốc gia vẫn đang siết chặt thị trường tiền mã hóa. Ngoài ra, việc nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất có thể sẽ bóp nghẹt thị trường tiền mã hóa.
Bitcoin khó tăng mạnh
"Bitcoin vẫn còn một quãng đường dài để trở lại mức kỷ lục được thiết lập hồi cuối năm 2021", theo ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA.
Hôm 10/11/2021, giá Bitcoin cán mốc 68.789 USD/đồng sau nhiều ngày tăng phi mã. Thời điểm đó, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vượt ngưỡng 2.900 tỷ USD. Hiện giá Bitcoin đã sụt giảm gần 40% sau 2 tháng. Hơn 1.000 tỷ USD cũng "bốc hơi" khỏi thị trường tiền mã hóa.
"Giá Bitcoin chịu áp lực lớn khi các nhà đầu tư lo ngại rằng FED sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong những cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sắp tới", ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA, cho hay.
FOMC là cơ quan hoạch định chính sách của FED. Cơ quan này vừa phê duyệt đợt nâng lãi suất đầu tiên hôm 16/3. Để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao ở Mỹ, FED sẽ có thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay và 3 lần vào năm 2023.
Giới quan sát lo ngại FED sẽ tiếp tục hành động mạnh tay bởi tình hình lạm phát ở Mỹ vẫn còn đáng lo ngại. Dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh), mức cao nhất kể từ năm 1981.
Mức tăng cũng cao hơn dự báo trước đó của giới quan sát. "Kéo lạm phát đi xuống là việc rất quan trọng vào lúc này", bà Lael Brainard, một thống đốc của FED, phát biểu tại hội thảo trực tuyến của chi nhánh Minneapolis.
Việc FED và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến chi phí cơ hội tăng cao, làm giảm lợi nhuận của những tài sản rủi ro. Điều này khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà với tiền mã hóa.
Ông Edward Moya nhận định: "Giá Bitcoin chỉ có thể trở lại đà tăng lành mạnh nếu khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. Điều đó xảy ra sau khi lạm phát được kiểm soát tốt".