Có rất ít người trên thế giới như Chung Ju Yung: Sinh ra trong gia đình nông dân, từng ăn trộm bò và cuối cùng trở thành tỷ phú. Từ nghèo khó, ông đã vươn lên để xây dựng công ty ô tô toàn cầu Hyundai, hiện trị giá hàng chục tỷ USD.
Dưới đây là câu chuyện đầy cảm hứng của nhà sáng lập Hyundai:
Trốn chạy khỏi Bắc Triều Tiên
Chung Ju-Yung, sinh ngày 25/11/1915, tại Asan thuôc Tongchon (Bắc Triều Tiên) nhưng thời điểm đó, nơi này bị sáp nhập vào Nhật Bản. Là con cả trong gia đình có 8 người con, ông buộc phải bỏ học trước khi lên cấp ba để đi làm phụ giúp gia đình. Làm việc chân tay vất vả trên cánh đồng không phải là mong muốn của nhiều người và Chung cũng vậy. Do đó, ông đã nỗ lực để thoát khỏi cuộc sống khó khăn này.
Năm 16 tuổi, ông đi bộ gần 20 km sang thị trấn khác để làm công nhân xây dựng. Dù làm việc nhiều giờ và nhận lương thấp nhưng ông đã khám phá ra niềm đam mê của mình với kỹ thuật dân dụng. Tuy nhiên, đam mê này đã bị gác lại khi ông bị cha tìm thấy và đưa trở lại quê nhà.
Khi 18 tuổi, ông đi bộ đến Seoul (cách Tongchon 169 km). Trong hành trình này, ông bị một người hứa sẽ tìm việc cho nhưng cuối cùng lại lừa lấy tiền của ông. Vì thế, ông buộc phải trở về nhà.
Lần thứ 3, ông quyết định đi tàu hỏa vì nhanh và đỡ tốn sức hơn đi bộ. Ông đã lấy trộm con bò của cha và bán đi để có tiền mua vé. Lúc này, ông xin việc liên quan đến kế toán để có thể tìm hiểu thêm về khía cạnh tài chính của doanh nghiệp. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, cha ông lại lên Seoul và bắt ông trở lại Tongchon.
Đến lần "vượt ngục" thứ 4, Chung mới thành công. Ông lại lên Seoul và làm việc trong một cửa hàng gạo. Khi người chủ bị bệnh nặng không thể tiếp tục kinh doanh, Chung mua lại cửa hàng và trở thành ông chủ ở tuổi 22. Có thể nói, phải mất rất nhiều nỗ lực, hành trình của ông mới được bắt đầu.
=> Xem thêm: Hành trình trở thành ông ‘trùm’ marketing ngành nail tại Mỹ của chàng trai 9x
Xây dựng cơ đồ từ một...con bò
Thách thức đến với Chung sau 2 năm, khi chính quyền Nhật Bản thực hiện việc phân chia khẩu phần gạo năm 1939. Điều này khiến ông phải đóng cửa kinh doanh. Ông mở một gara sửa chữa ô tô và chỉ trong 4 năm, ông đã có 70 nhân viên.
Tuy nhiên một lần nữa, ông bị chính phủ Nhật ngăn cản khi buộc gara phải hợp nhất với một nhà máy thép. Trong chiến tranh thế giới thứ II, ông tạm thời chuyển về quê và lên kế hoạch sử dụng tốt nhất số tiền mình kiếm được từ kinh doanh.
Khi cuộc chiến kết thúc, Chung đứng trước cơ hội phát triển lớn. Kết hợp đam mê về kỹ thuật dân dụng với kiến thức về ô tô, ông thành lập Hyundai Motor Industrial vào năm 1946 và Hyundai Civil Industries năm 1947.
Ông đã khôn ngoan đặt các dự án kinh doanh của mình vào trung tâm của nỗ lực tái thiết và công nghiệp hóa khổng lồ của Hàn Quốc thời hậu chiến. Thậm chí cả việc đặt tên cũng phù hợp với sự phát triển này bởi Hyundai có nghĩa là hiện đại.
Hyundai sớm giành được một số hợp đồng xây dựng béo bở từ chính phủ. Trong 20 năm sau Thế chiến thứ II, công ty chịu trách nhiệm phát triển phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở Hàn Quốc.
Chung cũng đưa Hyundai lên bản đồ toàn cầu bằng cách giành được các hợp đồng quốc tế. Năm 1965, công ty được trao hợp đồng xây dựng Đường cao tốc Thái Lan. Vào những năm 1970, họ hoàn thành cảng công nghiệp Jubail ở Ả Rập Xê Út. Vào thời điểm đó, đây là dự án xây dựng lớn nhất thế kỷ 20. Đến những năm 1980, Hyundai là tập đoàn lớn nhất và thành công nhất của Hàn Quốc.
Mục tiêu tiếp theo của ông là chế tạo xe ô tô chỉ sử dụng công nghệ của Hàn Quốc. Điều này đã đạt được vào năm 1976 với Hyundai Pony. Khi Pony xuất sang Nam Mỹ, nó trở thành chiếc xe hơi do Hàn Quốc phát triển đầu tiên được xuất khẩu.
Năm 1986, Hyundai thâm nhập vào thị trường Mỹ và thành công ngay lập tức. Pony được đổi tên thành Excel và lập kỷ lục bán được nhiều ô tô nhất trong năm đầu tiên với 126.000 chiếc.
Đạt được thành công trong kinh doanh toàn cầu ở lĩnh vực xây dựng và ô tô, Chung quyết định từ chức Chủ tịch Hyundai năm 1987. Tuy nhiên, ông vẫn nỗ lực giới thiệu Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy các dự án du lịch. Năm 1992, ông thậm chí còn tranh cử Tổng thống Hàn Quốc nhưng không thành công.
Dùng tờ 500 won vay 50 triệu USD
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Chung là tinh thần "không gì là không thể". Đây là nguyên tắc kinh doanh hàng đầu của ông. Một câu chuyện kể rằng khi bước vào lĩnh vực đóng tàu, Chung gặp phải trở ngại lớn về tài chính. Ông nảy ra ý đến Ngân hàng Barclays tại Luân Đôn và tặng ngân hàng này một tờ tiền 500 won (tương đương chỉ 0,5 USD).
Tờ tiền đó in hình một chiếc tàu mà người Triều Tiên từng đóng vào thế kỷ 16, 300 năm trước khi người Anh cho ra đời con tàu sắt đầu tiên của họ. Chung Ju-Yung nhấn mạnh rằng người Hàn Quốc cũng có khả năng đóng tàu. Với tờ 500 won, Chu Ju-Yung đã được vay 50 triệu USD từ ngân hàng Barclays.
=> Xem thêm: Chàng trai bỏ công việc với mức lương 6 chữ số để khởi nghiệp vì thấy ‘chưa đủ tiền tiêu’
Thành công vượt bậc
Cơn bùng nổ dầu hỏa 1973 là một trong những bệ phóng đưa Hyundai vào danh sách những tập đoàn khổng lồ thế giới. Chung Ju-yung nhanh chóng nhận ra cơ hội tại vùng Vịnh.
Trước thập niên 1970, Hàn Quốc chưa có con tàu nào lớn hơn 10.000 tấn nhưng lời quảng cáo về Hyundai của Tổng thống Park Chung Hee đã giúp đem lại hợp đồng đầu tiên hai tàu dầu 240.000 tấn đặt từ Hy Lạp. Tiếp đó, đơn đặt hàng từ Hong Kong và Nhật.
Năm 1975, Chính phủ Hàn Quốc ra lệnh tất cả dầu nhập từ Trung Đông phải được chở bằng tàu dầu Hàn Quốc. Nhờ vậy, cuối thập niên 1980, Hyundai đã trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới.
Đến thập niên 1980, Hyundai là doanh nghiệp gia đình lớn nhất Hàn Quốc. Từ Hyundai Engineering (xây dựng), Hyundai Motors (xe hơi), Hyundai Merchant Marine (đóng tàu), Chung Ju-yung thành lập Hyundai Electronics – nơi không đầy 10 năm sau trở thành nhà sản xuất chip vi tính thứ nhì thế giới.
Năm 1985, ông ra lệnh cho người em trai, Chung Se-Yung, chịu trách nhiệm thành lập một nhà máy xe tại Mỹ. Năm 1986, những chiếc Hyundai Excel đầu tiên, với thiết kế Ý và động cơ Mitsubishi, bắt đầu lăn bánh trên xa lộ Hoa Kỳ.
Trước thời điểm xảy ra vụ đại khủng hoảng tài chính châu Á 1997, doanh số hàng năm Hyundai đã vượt hơn 90 tỷ USD, và Chung Ju-yung, với gia sản 6 tỷ USD đã trở thành người giàu nhất Hàn Quốc.
Trước khi chuyển ghế chủ tịch tập đoàn cho các con vào năm 1987, nhà doanh nghiệp, nhà thơ và “ca sĩ karaoke” Chung Ju-yung đã xây dựng thành công một công ty đóng tàu lớn nhất và một công ty xe hơi hàng đầu Hàn Quốc.
=> Xem thêm: Thánh tiết kiệm Nhật Bản: Ngày tiêu 42.000 đồng, sau 15 năm thành bà chủ 3 căn biệt thự
Trả món nợ con bò ăn cắp năm nào
Trong suốt cuộc đời, giấc mơ trở lại quê cha đất tổ luôn ám ảnh Chung Ju-yung. Năm 1998, ông là công dân Hàn Quốc đầu tiên bước qua biên giới CHDCND Triều Tiên mà không có quân đội đi kèm. Ông đã đánh cắp bố một con bò để làm lộ phí xuống miền Nam, dựng sự nghiệp từ bàn tay trắng; và rồi, Chung Ju-yung - doanh nhân thành đạt nhất Hàn Quốc đã dắt một con bò băng ngang Bàn Môn Điếm trở lại miền Bắc để “trả lại” món nợ đầy nước mắt năm xưa.
Đó là một trong 1.001 con bò (có tài liệu ghi 500) được Chung Ju-yung tặng nông dân làng Asan, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Một trong những dự án chính của Ju-Yung trong chuyến đi trên là thương nghị với Chính phủ Bình Nhưỡng về công trình khu du lịch tại núi Keumgang thuộc địa phận CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Chung Ju-yung đã mất trước khi toàn bộ công trình hoàn thành…
=> Xem thêm: Masayoshi Son - Nhà kiến tạo tỷ phú lừng danh thế giới