Bắc Kinh có khả năng không để Evergrande sụp đổ khi chính phủ nước này vẫn đang tìm cách kiểm soát chặt tình hình ở doanh nghiệp này mà không gây bất ổn cho toàn hệ thống.
Bắc Kinh có khả năng không để Evergrande sụp đổ khi chính phủ nước này vẫn đang tìm cách kiểm soát chặt tình hình ở doanh nghiệp này mà không gây bất ổn cho toàn hệ thống.
Tờ South China Morning Post dẫn nhận định của các nhà phân tích thị trường tại một hội nghị vừa diễn ra hôm qua (13/10) cho biết, Bắc Kinh có khả năng không để Evergrande sụp đổ.
Nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới Evergrande, với gánh nợ hơn 300 tỷ USD, đã bỏ lỡ 3 đợt thanh toán lãi suất trái phiếu trong 3 tuần. Evergrande sẽ vỡ nợ nếu không thanh toán được khoản lãi tổng cộng 119 triệu USD trước 23/10 này.
Ông Andrew Collier - Giám đốc điều hành của Orient Capital Research - cho rằng những gì mà chính phủ Trung Quốc đang làm là kiểu tái thiết có kiểm soát, tức làm cho thị trường bất động sản nước này tránh xa kiểu tăng trưởng nhờ nợ nần bằng cách không cứu trợ Evergrande.
Mặt khác, ông cho rằng, Bắc Kinh cũng đang cố gắng ngăn chặn những tác động lây lan từ sự sụp đổ tiềm tàng của Evergrande. Chính phủ nước này đang yêu cầu các ngân hàng bắt đầu nới lỏng tín dụng cho thị trường bất động sản để giảm nhẹ tổn thất.
Theo South China Morning Post, Bắc Kinh đang chứng tỏ nước này rất nghiêm túc trong việc kiềm chế các vấn đề nợ đang ngày trầm trọng của thị trường bất động sản - vốn là động lực chính cho tăng trưởng của nước này trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn đang cố gắng để xoa dịu nỗi lo ngại của các nhà đầu tư rằng cuộc khủng hoảng của Evergrande sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc vốn đang có dấu hiệu chậm lại.
Trong mấy tuần gần đây, không chỉ Evergrande mà một số nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc cũng đã bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi suất trái phiếu hoặc cảnh báo họ không có khả năng để trả đúng hạn.
Tập đoàn bất động sản Fantasia Holding Group có trụ sở tại Thâm Quyến đã không trả được khoản nợ 206 triệu USD trái phiếu đáo hạn vào ngày 4/10. Cổ phiếu của công ty này đã bị ngừng giao dịch kể từ ngày 9/9.
Hay Modern Land, một nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Bắc Kinh, trong tuần này cũng đã đề nghị các nhà đầu tư cho phép hoãn trả khoản trái phiếu trị giá 250 triệu USD đến hạn vào cuối tháng này.
Hôm đầu tuần (11/10), nhà phát triển Sinic Holdings Group có trụ sở tại Thượng Hải cũng cho biết họ có khả năng không trả được khoản trái phiếu trị giá 250 triệu USD đến hạn vào tuần tới.
"Các cơ quan quản lý cần hết sức thận trọng để không cho phép tác động lây lan tiềm tàng này trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn", ông Li-Gang Liu - chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại CitiGroup - nói.
Theo ông Liu, chính phủ Trung Quốc không muốn thấy thị trường bất động sản nước này chao đảo. "Đối với thị trường bất động sản Trung Quốc, việc giá nhà giảm từ 10-20% sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Không chỉ các ngân hàng chứng kiến khoản nợ xấu phình to mà người mua nhà cũng bị ảnh hưởng tiêu cực", ông nói.
Do đó, theo ông Liu, kịch bản có thể xảy ra nhất là chính phủ Trung Quốc sẽ tham gia quản lý việc tái cơ cấu Evergrande. Họ sẽ tiếp tục yêu cầu các ngân hàng cho nhà phát triển bất động sản này vay và cố gắng giữ các vấn đề tài chính, kinh tế và xã hội ở mức tối thiểu.
Ở Trung Quốc, bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm khoảng 30% GDP nước này, cao hơn so với mức 22% ở Mỹ.