Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết từ ngày 31/1/2022 đến ngày 2/2/2022 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 02 Tết) giá cả bình ổn, không có dấu hiệu khan hàng, sốt giá.
Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết từ ngày 31/1/2022 đến ngày 2/2/2022 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 02 Tết) giá cả bình ổn, không có dấu hiệu khan hàng, sốt giá.
Giá các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết ổn định
Qua theo dõi nắm bắt tình hình giá cả thị trường của Bộ Tài chính và báo cáo từ các Sở Tài chính địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường. Những ngày sát Tết giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định.
Tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000-14.000 đồng/kg; gạo tám thơm Điện Biên từ 18.000-22.000; gạo nếp từ 20.000-30.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 25% tấm ở mức 14.000-17.000đ/kg, gạo thơm chợ Đào 20.000-22.000đ/kg.
Nhìn chung các mặt hàng thực phẩm chế biến có giá ổn định dịp trước Tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn Tết đều có các chính sách ổn định giá cả cho các tháng trong và sau Tết.
Giá nhiều mặt hàng như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn, nhiều loại hàng Việt đã có thị phần lớn so với các năm trước, mẫu mã bao bì chất lượng hàng Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt trội so với các năm trước, chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng tương tự, ngoại nhập.
Giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào.
Đề xuất 7 giải pháp quản lý, bình ổn giá trong năm 2022
Theo Cục Quản lý giá, trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết như giá gas, giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo quy luật giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết. Do đó, Cục Quản lý giá đề xuất công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt ngay từ những tháng đầu năm 2022, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào dự thảo Luật giá sửa đổi.
Trong đó, tập trung một số giải pháp sau nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường sau Tết như:
Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; Qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Thứ 3, trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới sau Tết để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm.
Thứ 4, tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá… Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ.
Thứ 5, đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá tiếp tục điều hành thận trọng, nhất là trong những tháng đầu năm để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm. Trên cơ sở các kịch bản cụ thể đã xây dựng đầu năm, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong việc rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa.
Thứ 6, kiểm soát chặt chẽ mức giá và các chi phí nhập, chi phí xuất cấp, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý trực tiếp; đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các địa phương bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và trong thời gian giáp hạt...
Thứ 7, tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm đến người dân, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.